Áp lực thất nghiệp đổ lên đại học Trung Quốc

GD&TĐ - Trong chính sách mới, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các trường đại học tìm cách giải quyết tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới tốt nghiệp.

Sinh viên Trung Quốc tham gia ngày hội việc làm.
Sinh viên Trung Quốc tham gia ngày hội việc làm.

Trong chính sách mới, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các trường đại học tìm cách giải quyết tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới tốt nghiệp. Dưới áp lực trên, nhiều trường đã tìm cách “lách luật”.

Tại lễ tốt nghiệp hồi tháng 6 của Trường Cao đẳng Khoa học và Công nghệ thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, sinh viên không được khuyến khích theo đuổi ước mơ như thông lệ. Thay vào đó, ông Huang Zongming, Hiệu trưởng nhà trường, khuyên nhủ: “Các em không được đặt mục tiêu quá cao hoặc kén chọn công việc. Các cơ hội là chớp nhoáng”.

Bộ Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu các trường học, quan chức địa phương giúp sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm trên tinh thần trách nhiệm và khẩn thiết.

Tại tỉnh Hồ Nam, Sở Giáo dục đã yêu cầu các trường học giải thích nếu hơn 20% sinh viên tốt nghiệp làm việc bán thời gian hoặc làm việc tự do thay vì làm toàn thời gian. Tỉnh Tứ Xuyên thông báo các trường đại học sẽ phải xem xét hủy bỏ chuyên ngành có tỷ lệ việc làm thấp trong 2 năm liên tiếp.

Về phía sinh viên, họ được khuyên không nên “kén cá chọn canh” trong công việc và hãy chọn làm việc ở những vùng khó khăn, xa xôi để rèn luyện tính cách, tôi luyện trong gian khó.

Các nhà quản lý giáo dục bày tỏ họ đang cảm thấy áp lực khi phải hoàn thành yêu cầu nâng cao tỷ lệ tuyển dụng từ chính phủ và chính quyền địa phương.

Chị Stella Xu, cố vấn nghề nghiệp tại một trường cao đẳng ở tỉnh Hồ Bắc, cho biết ban giám hiệu mới đây đã đưa ra bảng xếp hạng tỷ lệ việc làm của từng người cố vấn và yêu cầu họ cập nhật tiến độ công việc theo từng tháng. Để đảm bảo tỷ lệ việc làm, chị Xu đã đến thăm nhiều doanh nghiệp, cố gắng thuyết phục họ nhận sinh viên mới tốt nghiệp nhiều hơn số lượng tuyển dụng.

“Ngày nào tôi cũng băn khoăn về lý do tại sao một số sinh viên không được tuyển dụng”, chị Xu bày tỏ.

Khi áp lực lên các trường đại học Trung Quốc gia tăng, nhiều sinh viên, nhà quản lý trường học đã chọn giải pháp tiêu cực như làm giả việc làm, hồ sơ xin việc...

Trên trang web thương mại điện tử Trung Quốc, Taobao, mới đây đã xuất hiện những bài quảng cáo làm giả tuyển dụng việc làm với giá 17 USD. Ngoài cung cấp tài liệu xác thực rằng sinh viên đã được tuyển dụng, người bán sẽ trả lời các cuộc gọi kiểm chứng từ trường học hoặc Sở Giáo dục địa phương.

Ngoài ra, nhiều sinh viên Trung Quốc quyết định học lên cao thay vì tham gia thị trường lao động nhiều biến động. Nữ sinh Jessamine Wang, 23 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý tài chính tại một trường đại học ở Thành Đô, đã quyết định tham gia kỳ thi công chức sau khi xin việc thất bại ở hơn 100 công ty.

Trước đó, cố vấn nghề nghiệp tại trường đại học đã gợi ý chị Wang làm hồ sơ việc làm giả và đe dọa sẽ cản trở quá trình tìm việc làm nếu nữ sinh này không đồng ý. Tuy nhiên, chị Wang đã kiên quyết từ chối.

Còn chị Lucia Xu, 22 tuổi, đã nói dối trường đại học rằng mình đã được nhận vào làm việc tại một công ty xây dựng của người quen trong gia đình. Trên thực tế, chị Xu dự định tham gia kỳ thi cao học vào mùa Đông này và sẽ không tìm việc làm trong thời gian ôn thi.

Một số lượng lớn kỷ lục sinh viên mới ra trường đã gia nhập thị trường lao động Trung Quốc, khiến triển vọng việc làm vốn ảm đạm càng trở nên trầm trọng hơn. Hồi tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp của người từ 16 - 24 tuổi ở thành thị đạt mức 21,3%. Dự kiến con số này sẽ tăng cao trong tháng 7 khi sinh viên tốt nghiệp và tìm việc làm.

Theo NYT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ