Tranh cãi khi Đại học Trung Quốc loại tiếng Anh khỏi điều kiện tốt nghiệp

GD&TĐ - Đại học Giao thông Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, thông báo sinh viên sẽ không phải làm bài kiểm tra tiếng Anh đại học (CET) để xét tốt nghiệp.

Đại học Giao thông Tây An, Trung Quốc.
Đại học Giao thông Tây An, Trung Quốc.

Việc Đại học Giao thông Tây An, Trung Quốc, không yêu cầu sinh viên chứng minh trình độ tiếng Anh làm dấy lên tranh cãi về vai trò của ngôn ngữ này trong bối cảnh hiện nay.

Hôm 20/9, Đại học Giao thông Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, thông báo sinh viên sẽ không phải làm bài kiểm tra tiếng Anh đại học (CET) để xét tốt nghiệp. Nhiều người dân ủng hộ quyết định trên và kêu gọi các trường đại học khác cũng làm điều tương tự.

Một người sử dụng mạng xã hội Weibo bình luận: “Quá tốt. Tôi hy vọng các trường đại học cũng làm theo. Thật buồn cười khi bằng cấp học thuật của người Trung Quốc cần phải được chứng thực qua một bài kiểm tra ngoại ngữ”. Bình luận này thu hút hơn 24.000 người yêu thích.

Những người ủng hộ loại bỏ các bài kiểm tra tiếng Anh trong trường đại học lập luận rằng việc học tiếng Anh gây lãng phí thời gian, sức lực. Sinh viên hầu như không sử dụng tiếng Anh trong sinh hoạt và công việc. Nếu cần, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ dịch thuật sẽ giúp học sinh làm điều đó.

Tuy nhiên, số khác không tán thành. Họ cho rằng, tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng trong môi trường học thuật, nhất là về khoa học và công nghệ.

“Bạn không cần gắn tiếng Anh với việc tốt nghiệp đại học nhưng không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của ngôn ngữ này. Ngày nay, nếu không hiểu tiếng Anh, bạn có thể bị tụt hậu trong thế giới của khoa học và công nghệ”, một người dùng Internet Trung Quốc cho hay.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều trường đại học đã giảm nhẹ tầm quan trọng của tiếng Anh bằng cách thay thế CET bằng các kỳ thi được tổ chức riêng hoặc như Đại học Giao thông Tây An loại bỏ tiêu chí này khỏi việc công nhận tốt nghiệp. Ngoài ra, nhiều trường đại học cấm giảng viên sử dụng tài liệu học thuật bằng tiếng Anh, sách giáo khoa tiếng Anh.

Không chỉ trong các trường đại học, việc giáo dục tiếng Anh tại Trung Quốc nhìn chung đã có sự suy giảm. Tại Thượng Hải, thành phố “quốc tế nhất” Trung Quốc, vào năm 2021, chính quyền đã cấm các trường tiểu học tổ chức thi cuối kỳ môn Tiếng Anh nhằm giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh.

Nhiều nhà lập pháp và cố vấn chính phủ cũng đề xuất chuyển tiếng Anh từ môn học bắt buộc sang môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông, thậm chí loại tiếng Anh khỏi kỳ thi tuyển sinh đại học.

Trước đó, Trung Quốc đưa tiếng Anh trở thành môn học phổ thông bắt buộc vào năm 2001, cùng năm nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Thời điểm này, Bộ Giáo dục Trung Quốc đánh giá kế hoạch trên là một phần trong chiến lược quốc gia nhằm đưa nền giáo dục trở nên hiện đại hóa, sánh ngang với thế giới và đón đầu tương lai.

Bài kiểm tra tiếng Anh đại học (CET), tổ chức từ năm 1987, là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh đầu ra cho sinh viên Trung Quốc. Thông qua kỳ thi, các trường đại học muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành thạo tiếng Anh, nhất là trong bối cảnh đất nước mở cửa và hội nhập.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Trung tâm Tiếng Anh Yola dành cho học sinh TP.HCMGiới từ chỉ thời giantừ vựng ielts theo chủ đề