Thí điểm sẽ được thực hiện tại Trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học Bắc Kinh từ năm nay.
Theo hệ thống mới, kết quả học tập của sinh viên được tính theo thang điểm 5 cấp độ từ A đến F thay cho thang điểm 100. Sinh viên đạt trên 85 điểm sẽ nhận điểm A trong khi dưới 60 điểm quy thành điểm F.
Ông Wang Shiqiang, Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học Đời sống, cho biết cách tính điểm mới giúp sinh viên giảm cạnh tranh và áp lực học tập. Ví dụ, những sinh viên có thể đạt từ 85 điểm trở lên không cần phải cạnh tranh để đạt điểm tuyệt đối vì tất cả đều nhận điểm A như nhau.
“Nhà trường muốn sinh viên dành nhiều thời gian để phát triển kỹ năng cá nhân. Sinh viên có thể tham gia các buổi thỉnh giảng của chuyên gia, đăng ký các khoá học nhân văn, làm nghiên cứu khoa học...”, ông Wang nói.
Thay đổi làm dấy lên tranh cãi trên các phương tiện truyền thông. Nhiều sinh viên bày tỏ vui mừng vì thang điểm mới làm giảm áp lực học tập, nhất là tại ngôi trường nổi tiếng với đầu vào khắt khe như Đại học Bắc Kinh.
Một sinh viên giấu tên chia sẻ: “Cách tính điểm mới giúp chúng tôi không còn lo lắng phải giành điểm cao hơn bạn bè. Nó cũng khuyến khích chúng tôi dành nhiều thời gian hơn cho các dự án học thuật, nghiên cứu thay vì chỉ mải mê vào điểm số”.
Tuy nhiên, số khác lo lắng cách tính điểm mới sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ du học. Theo đó, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài thường yêu cầu ứng viên nộp bảng điểm hoặc điểm trung bình học tập ở đại học. Thang điểm A – F sẽ không chứng minh cụ thể năng lực của sinh viên.
Giải quyết mối lo trên, ông Wang cho biết nhà trường sẽ cấp chứng chỉ cho sinh viên đăng ký chương trình sau đại học ở nước ngoài. Những chứng chỉ này sẽ giải thích về hệ thống chấm điểm mới.
“Khi khoá sinh viên đầu tiên trúng tuyển các trường đại học nước ngoài bằng phương pháp đánh giá mới, những nghi ngờ trong dư luận sẽ giảm bớt”, ông Wang tin tưởng.
Còn ông Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, nhận định việc Đại học Bắc Kinh bỏ cách chấm điểm theo chữ số là động thái hướng tới phương pháp đánh giá toàn diện hơn.
Thay đổi trên phù hợp với lời kêu gọi của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hồi năm 2015. Đề xuất cho rằng các trường đại học cần đổi mới phương pháp chấm điểm và thúc đẩy sự sáng tạo của sinh viên bằng cách chuyển trọng tâm đánh giá từ điểm số sang khía cạnh khác.
Hưởng ứng đề xuất trên, cùng năm, Đại học Thanh Hoa đã chuyển từ thang điểm 100 sang điểm A – F. Năm 2019, nhà trường nâng tỷ lệ sinh viên mỗi khoá nhận điểm A để nhiều sinh viên nhận điểm tốt hơn. Điều này không chỉ giảm bớt áp lực cạnh tranh giữa sinh viên mà còn khuyến khích các em hăng say học tập.
Trong những năm gần đây, Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc và Đại học Công nghệ Thượng Hải cũng thử nghiệm hệ thống chấm điểm dựa trên chữ cái.
Hoan nghênh động thái mới nhất của Đại học Bắc Kinh, ông Chu Chaohui, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, nhấn mạnh các trường đại học cần tăng cường cải cách. “Sử dụng hệ thống chấm điểm chữ số làm thước đo duy nhất về trình độ học vấn là quá đơn giản. Trung Quốc cần hệ thống đánh giá toàn diện hơn, tích hợp nhiều phương pháp đổi mới”, ông Chaohui bày tỏ.