Đại học Quốc gia TPHCM muốn thu hút, giữ chân nhà khoa học trẻ xuất sắc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong giai đoạn 2023-2030, Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành về làm việc.

Các nghiên cứu viên, học viên trong phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Các nghiên cứu viên, học viên trong phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Sáng 22/12, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội nghị thường niên nhằm tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, năm 2024 được xác định là năm bản lề đặc biệt quan trọng, quyết định thành công các mục tiêu trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia TPHCM trong giai đoạn mới 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Đại học Quốc gia TPHCM xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản trị, đào tạo, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, phát triển khu đô thị đại học...

Đáng chú ý, đại học này sẽ triển khai đề án “Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM".

PGS TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

PGS TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Lê Thị Anh Trâm, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ, Đại học Quốc gia TPHCM, đề án nhằm thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác Đại học Quốc gia TPHCM.

Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống đại học này; có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp đảm bảo thu hút được các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành.

Theo đề án này, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành từ năm 2023 đến năm 2030.

Các nhà khoa học sẽ được đảm bảo chính sách phát triển nghề nghiệp, có lộ trình phát triển trong 5 năm.

Với các nhà khoa học trẻ, trong 2 năm đầu công tác, họ sẽ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C cấp Đại học Quốc gia TPHCM (kinh phí tối đa 200 triệu đồng).

Từ năm thứ 3, họ được cấp một đề tài loại B, kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Năm thứ 4, nhà khoa học trẻ được hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học. Năm thứ 5 sẽ được hỗ trợ nhằm đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn và hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư, Giáo sư cấp Nhà nước.

Với các nhà khoa học đầu ngành, trong 2 năm đầu, sẽ được bố trí là trưởng nhóm/trưởng trung tâm nghiên cứu, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia TPHCM; được đảm bảo cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B, kinh phí tối đa 1 tỷ đồng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngoài ra, các nhà khoa học được hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học; thành lập nhóm nghiên cứu và xây dựng cộng đồng nghiên cứu trong và nước ngoài; phối hợp với các nhà khoa học ở nước ngoài công bố, triển khai các dự án chung...

Về thu nhập, các nhà khoa học hưởng mức thu nhập theo chính sách riêng của từng đơn vị (bao gồm lương, thưởng, các khoản phụ cấp, thu nhập do giảng dạy vượt giờ chuẩn, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh…).

Các chính sách đãi ngộ gồm: du lịch, khám chữa bệnh và theo chính sách đặc thù riêng của mỗi đơn vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ