Chính sách đặc thù về thu nhập, đãi ngộ dành cho đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của TPHCM theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 được kỳ vọng là bước ngoặt trong chiến lược thu hút nhân tài.
Người tài về với quê hương
PGS.TS Võ Hoàng Hưng, Trưởng bộ môn Toán tin ứng dụng, Khoa Toán - Ứng dụng, Trường ĐH Sài Gòn là một trong 4 phó giáo sư trẻ nhất được công nhận trong năm 2020, khi anh tròn 33 tuổi. Anh có một quá trình học tập, nghiên cứu với nhiều thành tích xuất sắc
Năm 2005, Võ Hoàng Hưng trúng tuyển ngành Toán học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM rồi tốt nghiệp loại giỏi hệ cử nhân tài năng. Cuối năm 2009, sau khi lấy bằng đại học, anh học tiếp cao học, chương trình Việt - Pháp của ĐH Quốc gia TPHCM chuyên ngành Toán giải tích. Võ Hoàng Hưng được giữ lại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên công tác một thời gian với vai trò giảng viên.
Cuối năm 2011, Thạc sĩ Võ Hoàng Hưng dừng công việc ở trường để tập trung học cao hơn. Anh chọn học tiến sĩ với GS Henri Berestycki tại Đại học Paris 6, cơ sở đào tạo hàng đầu nước Pháp theo diện học bổng Marie Curie danh giá nhất châu Âu, theo đuổi chuyên ngành hẹp sở trường là Toán giải tích và Phương trình đạo hàm riêng.
Nhận bằng tiến sĩ sau gần 4 năm học tập và nghiên cứu ở Pháp, câu hỏi lớn nhất đặt ra với Võ Hoàng Hưng khi đó là “ở lại hay về nước”, nhất là khi anh giành thêm học bổng post-doc (nghiên cứu sau tiến sĩ). Nhiều cơ hội rộng mở nhưng tân tiến sĩ đã quyết định về nước vì cảm thấy cơ hội được cống hiến và khả năng phát triển sự nghiệp tương lai tại quê hương cũng đầy hấp dẫn.
Anh mơ ước đeo đuổi và phát triển hướng Giải tích và Phương trình đạo hàm riêng ứng dụng ở Việt Nam. Từ năm 2015, anh trở về nước làm việc và công tác ở nhiều nơi trước khi chính thức về công tác tại Khoa Toán - Ứng dụng, Trường Đại học Sài Gòn từ năm 2018 đến nay. Phó giáo sư 36 tuổi từng được hai lần mời báo cáo tại Đại hội Toán học Việt Nam lần IX 2018, lần X 2023, mời báo cáo tại Đại hội Toán học Việt Mỹ năm 2019 và nhiều hội nghị Toán học quốc tế uy tín khác.
PGS.TS Võ Hoàng Hưng, Trưởng bộ môn Toán tin ứng dụng, Khoa Toán - Ứng dụng, Trường ĐH Sài Gòn. |
Là nhà khoa học trẻ, làm việc trong khối đơn vị sự nghiệp công lập (Trường Đại học Sài Gòn trực thuộc UBND TPHCM), PGS.TS Võ Hoàng Hưng rất vui khi đón nhận thông tin, từ tháng 8/2023, TPHCM sẽ triển khai thí điểm chính sách đặc thù để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt.
Chính sách này áp dụng theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8. Theo đó, Nghị quyết trao quyền cho HĐND TPHCM trong việc quyết định chính sách liên quan đến tiền lương, tiền công dành cho bộ máy chính quyền và nhà khoa học.
HĐND TPHCM có quyền bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố.
Mức thu nhập tăng thêm này được xác định theo hiệu quả công việc. Ngoài ra, để khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, HĐND TPHCM được quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của thành phố.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Võ Hoàng Hưng, để thu hút được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, ngoài cơ chế về thu nhập, TPHCM cần thay đổi cách đánh giá chất lượng thành quả lao động của đội ngũ này.
PGS.TS Võ Hoàng Hưng lý giải: Công việc của chuyên gia, nhà khoa học không nên đánh giá thường kỳ theo quý, hoặc năm như công chức, viên chức mà cần có góc nhìn xuyên suốt cả quá trình. Bởi để có được một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cao về mặt lý thuyết hay ứng dụng trong thực tiễn, các nhà khoa học không thể thực hiện trong thời gian “một sớm một chiều” mà có khi cần đến 3 - 5 năm, thậm chí lâu hơn, trong khi thời gian phản biện các công trình khoa học chất lượng thường rất lâu.
“Do đó, cần có mô hình đánh giá phù hợp với quá trình lao động của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tương ứng. Việc đánh giá nên áp dụng cho sản phẩm lao động cuối cùng sau đó mới định ra mức đãi ngộ dựa trên thành tích NCKH ban đầu của họ và cho các đợt tiếp theo. Không nên chỉ dựa trên việc đếm bài thưởng tiền sẽ dễ dẫn đến việc chạy theo số lượng mà giảm sút chất lượng, cần có chính sách khuyến khích hơn nữa công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín”, PGS.TS Võ Hoàng Hưng chia sẻ.
Ngoài ra, cần có những chế độ đãi ngộ đặc biệt với những thành tựu nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ xuất sắc của các nhà khoa học, có sự trân trọng các ngành khoa học cơ bản và ứng dụng như nhau. Nhà khoa học phải cảm thấy được trọng dụng, nhận được đãi ngộ xứng đáng với công sức và trí tuệ họ bỏ ra, mà không chỉ đơn giản là việc “cân, đong, đo, đếm” số lượng các công bố khoa học cứng nhắc. “Cách khen thưởng, tôn vinh nhà khoa học cũng cần tạo ra sự trân trọng với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, khiến họ cảm thấy hạnh phúc vì sự cống hiến của mình”, PGS.TS Võ Hoàng Hưng đề xuất.
Tương tự, theo học tiến sĩ tại Ireland, TS Hà Văn Hiếu (35 tuổi) cũng quyết định trở về nước công tác tại Khoa Toán Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM). Cũng làm việc trong khối đơn vị sự nghiệp Nhà nước, TS Hà Văn Hiếu đồng quan điểm với PGS.TS Võ Hoàng Hưng khi cho rằng, vấn đề thu nhập, đãi ngộ là quan trọng để thu hút nhân tài, nhưng không phải là duy nhất.
Theo đó, cơ chế làm việc cũng cần thay đổi để thu hút, giữ chân đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. “Môi trường thuận lợi để mọi người thỏa sức làm việc, cống hiến sẽ quan trọng hơn. Đặc biệt với đội ngũ học từ nước ngoài về, cần có chính sách riêng để họ phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học”, TS Hà Văn Hiếu nói.
GS.TS Phạm Văn Hùng, giảng viên Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM - người từng lọt tốp 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021. |
“Hệ sinh thái” cho người tài phát triển
Trong một báo cáo đầu năm 2023, Sở Nội vụ TPHCM cho biết suốt 5 năm qua (tính từ 2018), thành phố không tuyển được sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nào về làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Năm 2014, TPHCM đưa ra Quyết định 5715 áp dụng trong 5 năm với chủ trương trải thảm đỏ mời nhân tài về làm việc cho các lĩnh vực trọng điểm. Khi đó, chuyên gia, nhà khoa học được hưởng thu nhập thỏa thuận không quá 150 triệu đồng/tháng; chia lợi nhuận trên sản phẩm nghiên cứu; hỗ trợ kinh phí dự hội thảo với các ưu đãi về thuế, nhà ở, chi phí xuất nhập cảnh. Suốt thời gian thực hiện chính sách trên, thành phố thu hút được 19 nhà khoa học về làm việc.
Đến năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng quyết định 17 của UBND TPHCM với nhiều chính sách thay đổi. Lúc này, các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt nhận được các đãi ngộ như trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng, hưởng 1% kinh phí dành cho đề tài nghiên cứu khoa học dùng ngân sách Nhà nước, tối đa 1 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở, phương tiện nhưng thu nhập theo hệ số lương Nhà nước. Tuy nhiên, đề án áp dụng chính thức không giữ chân được nhân tài khi 14 trong tổng số 19 chuyên gia tham gia trước đó đã rời đi.
Thu nhập, đãi ngộ, môi trường làm việc… là các yếu tố được nhiều chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra khi nhìn nhận thực trạng trên. GS Trương Nguyện Thành, nguyên giảng viên ĐH Utah (Mỹ) bổ sung thêm, rằng TPHCM chưa tạo được “hệ sinh thái” để chuyên gia, nhà khoa học yên tâm làm việc và cống hiến lâu dài.
Hệ sinh thái này bao gồm: Đãi ngộ, phúc lợi, cơ chế trao quyền và đánh giá nhà khoa học.
GS Trương Nguyện Thành, nguyên giảng viên ĐH Utah (Mỹ). |
Theo ông Trương Nguyện Thành, ngoài khoản thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học, TPHCM cần tạo điều kiện học tập, làm việc cho vợ hoặc chồng, con cái của họ. Khi đời sống gia đình riêng ổn thỏa, họ mới có đủ thời gian, tâm trí dốc sức làm việc. Ngoài ra, các yếu tố phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và gia đình cũng cần quan tâm. Đây vốn là những ưu đãi họ được hưởng ở chế độ rất cao nếu làm việc tại các nước tiên tiến.
Trong hoạt động chuyên môn, thành phố cần tạo một cơ chế phân quyền và đánh giá công việc phù hợp với đặc thù của đội ngũ này. Từng làm việc với TPHCM trong vai trò chuyên gia xây dựng đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán và sau đó điều hành viện này gần 20 năm trước, GS Trương Nguyện Thành đánh giá việc phân quyền trong trong khối công lập vẫn “chưa rõ ràng”. “Điều này khiến mọi việc bị nhập nhằng, nhà khoa học không rõ ở chức vụ, vị trí của họ có quyền gì, lợi ích gì và trách nhiệm ra sao”, ông nói.
Theo GS Trương Nguyện Thành, với những chuyên gia, nhà khoa học được bổ nhiệm các vị trí đứng đầu đơn vị, cần trao quyền cho họ nhiều hơn. Có như vậy, họ mới có “đất” sáng tạo, đột phá và mang lại hiệu quả khác biệt. “Tóm lại, dùng người là phải tin, không tin thì không dùng. Phải tạo môi trường để người giỏi phát huy hết tài năng”, GS Trương Nguyện Thành nhấn mạnh.
Đánh giá cán bộ cũng là một trong các yếu tố quyết định nhằm phát triển động lực cho khối công lập. Đây là quan điểm GS.TS Trần Ngọc Anh, giảng viên ĐH Indiana (Mỹ) tại tọa đàm về Nghị quyết 54/2017/QH do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức vào tháng 7/2022. Theo ông, chỉ khi nào việc đánh giá cán bộ một cách thực chất mới tạo được động lực làm việc.
“Để khuyến khích nhân tài tham gia bộ máy chính quyền, HĐND TPHCM còn được quyết định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thành phố. HĐND TPHCM cũng được trao thẩm quyền quy định các nội dung như: Tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo; Thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ”.