Lương cao không phải là tất cả để thu hút nhân tài

GD&TĐ - TPHCM dự kiến trả lương cao, lên đến 120 triệu đồng/tháng cùng các chế độ phúc lợi để thu hút người giỏi vào các tổ chức khoa học, công nghệ.

Nghiên cứu viên, sinh viên làm việc trong Phòng thí nghiệm của Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng
Nghiên cứu viên, sinh viên làm việc trong Phòng thí nghiệm của Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng

TPHCM dự kiến trả lương cao, lên đến 120 triệu đồng/tháng cùng các chế độ phúc lợi để thu hút người giỏi vào các tổ chức khoa học, công nghệ. Nhưng thu nhập cao liệu đã đủ giữ chân người giỏi là vấn đề cần được xem xét thấu đáo?

Lương 60 - 120 triệu đồng/tháng

Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM đang lập đề án về chế độ thu nhập với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ, dự kiến trình HĐND thành phố trong tháng 9/2023.

Theo đó, Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM đề xuất người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TPHCM thành lập được hưởng lương 60 - 120 triệu đồng/tháng. Cấp phó của người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập hưởng lương 50 - 100 triệu đồng/tháng.

Trưởng các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập nhận lương 40 - 80 triệu đồng/tháng. Phó các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập từ 30 - 60 triệu đồng/tháng.

Sở này cũng đề xuất định mức chi thù lao đối với chức danh chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ là 60 triệu đồng/tháng.

Những mức lương trên cao gấp 5 - 6 lần mức lương hiện hành cho các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học, công nghệ. Lý giải về dự thảo trên, bà Nguyễn Thị Thu Sương, Quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM), cho biết, việc này nhằm thu hút được người tài, người có tầm cỡ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ về làm việc ở TPHCM, đồng thời để có được những nghiên cứu hiệu quả, chất lượng cho thành phố.

Với việc đề xuất mức lương 120 triệu đồng/tháng, TPHCM hướng đến tầm nhìn cao hơn là xây dựng một số đơn vị nghiên cứu hàng đầu ở thành phố được quốc tế công nhận.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương, Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép HĐND TPHCM được quyết định vấn đề tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi với các vị trí lãnh đạo và người làm khoa học trong các tổ chức khoa học công nghệ.

Để có cơ sở đưa ra mức lương này, Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM đã tiến hành khảo sát các tổ chức có hoạt động công nghệ ở tư nhân, công lập và doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các tổ chức tư nhân và nước ngoài sẵn sàng chi trả cao nhất lên đến 360 triệu đồng/tháng để thu hút nhân tài.

Trong khi đó, mức lương ở đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ công lập dao động 10 - 55 triệu đồng/tháng. Mức lương cao nhất 55 triệu đồng/tháng cũng chỉ có ở một đơn vị.

Sau khảo sát, Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM đã tính toán trong điều kiện có thể và đề xuất trả thù lao 60 - 120 triệu đồng/tháng cho chức danh lãnh đạo cao nhất. Để nhận được mức thù lao cao như trên, lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu khoa học phải đáp ứng về các điều kiện bằng cấp, học hàm, học vị, các yêu cầu công việc được giao.

“Nếu thực hiện theo cơ chế, trả thu nhập như một công chức bình thường như hiện nay sẽ khó thu hút người tài trong lĩnh vực này. Mức thu nhập này có thể với nhiều người là lớn, nhưng với chuyên gia nước ngoài hay Việt kiều thì chỉ ở mức vừa phải”, đại diện Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM cho biết.

Lễ bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Lễ bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Có đủ để giữ chân người tài?

Theo nhiều nhà khoa học, chuyên gia, đề xuất trên của Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM mang tính đột phá và thể hiện tầm nhìn xa. Bởi muốn thu hút và giữ chân được nhân tài, 3 yếu tố quan trọng gồm: Thu nhập, môi trường làm việc và khả năng phát triển.

Một phó giáo sư thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (xin không nêu tên) nhìn nhận: Nếu cứ giữ mức lương, thu nhập và đãi ngộ như hiện tại, TPHCM sẽ khó lòng thu hút được nhân tài, nhất là những nhà khoa học trẻ, tài năng.

Bởi lẽ, hiện có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng chi tiền tỉ thu hút họ vào làm việc. Không chỉ mức lương hằng tháng, những đãi ngộ về nhà ở, chế độ chăm sóc sức khỏe, đi lại dành cho đội ngũ chuyên gia ở khối tư nhân rất hậu hĩnh.

Phó giáo sư này cũng thẳng thắn nhìn nhận, đã là người tài, có những thành tựu và danh tiếng trong lĩnh vực của họ, mức lương 120 triệu đồng, thậm chí hơn như vậy cũng không phải là cao. Nhưng mức thu nhập này đủ để họ cảm thấy được tôn trọng, yên tâm gắn bó và cống hiến.

Tuy nhiên, ngoài thu nhập, yếu tố môi trường làm việc và khả năng phát triển được các nhà khoa học rất quan tâm. Theo họ, đây cũng là điểm yếu nhất trong khối đơn vị Nhà nước khi thu hút nhân tài.

“Từ cơ chế giao việc, giao quyền, trách nhiệm đến việc đánh giá năng suất lao động với nhà khoa học, chuyên gia cần cơ chế đặc thù. Nếu mãi rập khuôn như hiện nay, sẽ rất khó để họ làm tốt được nhiệm vụ chứ chưa dám nói đến là sáng tạo”, vị phó giáo sư nói.

Tương tự, TS Hà Văn Hiếu, giảng viên Khoa Toán Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), cũng cho rằng, thu nhập là vấn đề quan trọng khi nhà khoa học chọn nơi làm việc, nhưng không phải duy nhất. Quan trọng hơn, môi trường làm việc tại các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học cần tạo sự thuận lợi, phát huy hết khả năng sáng tạo của nhà khoa học.

Một số chuyên gia khác khẳng định, muốn thu hút người tài, phát triển động lực nghiên cứu khoa học, công nghệ ở khu vực công, ngoài yếu tố thu nhập cần có hệ thống đánh giá đồng bộ.

Chỉ khi nào nhà khoa học được đánh giá năng lực, năng suất lao động thực chất, họ mới tận tâm cống hiến. Yếu tố điều kiện làm việc, văn hóa tổ chức, văn hóa công sở… cũng cần được thay đổi nếu muốn giữ chân nhân tài.

Năm 2019, TPHCM có chính sách thu hút nhân tài với nhiều đãi ngộ đặc biệt như: Trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng; thu nhập theo hệ số lương Nhà nước; hưởng 1% đề tài nghiên cứu khoa học dùng ngân sách Nhà nước, tối đa một tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại. Tuy nhiên, đến nay, TPHCM mới chỉ tuyển được 5 chuyên gia, nhà khoa học làm việc từ chính sách này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.