Đại học Quốc gia TP.HCM kêu gọi hợp tác để thúc đẩy 3 mục tiêu đột phá toàn diện

GDTĐ-ĐHQG TP.HCM đã tổ chức chương trình: “Doanh nghiệp và Đại học: Hành trình kết nối – hợp tác – phát triển”.

Ông Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị- nguyên Chủ tịch nước và đại biểu thăm Trung tâm Giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo
Ông Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị- nguyên Chủ tịch nước và đại biểu thăm Trung tâm Giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo

Đến dự có các đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị- nguyên Chủ tịch nước; ông Phan Thanh Bình- nguyên Ủy Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiếu- Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức cùng đại diện nhiều đơn vị, doanh nghiệp…

Một đại học với vị thế dẫn đầu

Để hiểu hơn về giá trị và hệ sinh thái ĐHQG TP.HCM đang có, các đại biểu đã tham quan một số đơn vị thuộc ĐHQG TP.HCM: Trung tâm Giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo tại Khu Công nghệ phần mềm; Viện Tế bào gốc thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; Trường Đại học Quốc tế; Ký túc xá sinh viên…

Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, ĐHQG TP hôm nay là một hệ thống đại học có quy mô lớn nhất nước, với khoảng 82.000 sinh viên, 7 trường đại học thành viên, 1 Viện nghiên cứu và Khoa y, sắp tới sẽ phát triển thành Trường Đại học Khoa học Sức khỏe; có Trường Phổ thông Năng khiếu, nơi ươm mầm những tài năng trẻ của Việt Nam với nhiều huy chương vàng Olympic.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, trong bảng xếp hạng quốc tế mới công bố ngày 6/4/2022 của Tổ chức QS Vương quốc Anh, ĐHQG TP.HCM có 7 ngành đào tạo được xếp hạng, trong đó, có 1 ngành được xếp trong top 100. Đặc biệt, ĐHQG TP.HCM hiện là cơ sở giáo dục đại học có số lượng chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế nhiều nhất cả nước.

Ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước đang trao đổi với một thầy giáo về phát triển AI
Ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước đang trao đổi với một thầy giáo về phát triển AI

“Tự hào hơn là ĐHQG TP.HCM đã thực hiện tốt sứ mệnh đầu tàu của mình trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM, Bình Dương, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

3 mục tiêu đột phá

Để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2030, đứng trong nhóm 100 trường đại học hàng đầu châu Á, trong Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, ĐHQG TP.HCM tập trung vào 3 nhóm chiến lược đột phá để ưu tiên đầu tư nguồn lực.

Đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị đại học; Xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học;  Xây dựng khu đô thị đại học xanh, thông minh, bản sắc.

PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian vừa qua, ĐHQG TP.HCM đã nhận được nguồn tài trợ rất quý giá và rất có ý nghĩa. ĐHQG đã dùng khoản tài trợ này cho các hoạt động: bảo lãnh cho sinh viên vay với lãi suất 0%; cấp học bổng cho các em sinh viên đại học, học viên sau đại học; khen thưởng cho các thầy cô có thành tích nghiên cứu khoa học, giảng dạy xuất sắc; tài trợ cho dự án nghiên cứu tiềm năng…

Theo báo cáo của ĐHQG TP.HCM, trong 3 năm 2019 - 2021, Đại học này đã tiếp nhận hơn 76,4 tỷ đồng tài trợ từ các tổ chức và cá nhân, trong đó, có những khoản tài trợ để thực hiện chương trình sinh viên vay ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot, Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ nhận hàng, hoạt động quản lý và nghiên cứu, học bổng và hoạt động giáo dục tại đơn vị.

PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM phát biểu, chia sẻ tại chương trình
PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc ĐHQG TP.HCM phát biểu, chia sẻ tại chương trình

Để hiện thực 3 mục tiêu chiến lược và nâng tầm vị thế trong khu vực và quốc tế, ĐHQG TPHCM đã giới thiệu các dự án trọng tâm của đơn vị; các nội dung mời gọi tài trợ. Hiện nay, ĐH này đang khẩn trương đẩy mạnh công tác kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa bằng các phương thức đầu tư PPP, liên doanh liên kết.

Các dự án kêu gọi đầu tư gồm: Bệnh viện ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Công nghệ tài chính, Trung tâm Công nghệ giáo dục, các khu trung tâm dịch vụ công cộng, khu trung tâm thể dục thể thao, khối trung tâm dịch vụ và nghiên cứu, nhà công vụ, nhà thi đấu thể thao 3.000 chỗ, khu nhà ở cho viên chức...

Bên cạnh đó, ĐHQG TP.HCM cũng mời gọi tài trợ cho chương trình “Ươm mầm tài năng toán và trí tuệ nhân tạo”, trung tâm nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm, Viện Biến đổi khí hậu và hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị giai đoạn 2023 - 2025.

Công tác NCKH và chuyển giao công nghệ đang được ĐHQG TP.HCM đẩy mạnh
Công tác NCKH và chuyển giao công nghệ đang được ĐHQG TP.HCM đẩy mạnh

Dịp này, Ban tổ chức đã công bố số tiền 30 tỷ đồng của 3 doanh nghiệp tài trợ ĐHQG TP.HCM hỗ trợ phát triển hoạt động nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và hoạt động nghiên cứu khoa học trong 5 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.