Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc

GD&TĐ - Ngày 19/5 đối với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) càng thêm ý nghĩa khi trùng với kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ĐHQGHN đã chính thức chuyển trụ sở làm việc lên Hòa Lạc.

Cán bộ, viên chức, người lao động của ĐHQGHN thực hiện nghi thức chào cờ ngày đầu tuần.
Cán bộ, viên chức, người lao động của ĐHQGHN thực hiện nghi thức chào cờ ngày đầu tuần.

Tại buổi lễ, toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của ĐHQGHN đã thực hiện nghi thức chào cờ và thành kính dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam.

Kế thừa truyền thống học thuật hiện đại của Đại học Đông Dương (1906), Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (1945), Trường Khoa học Cơ bản (1951), Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1956), ĐHQGHN được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ.

Với tầm nhìn chiến lược, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó luôn đau đáu về việc thành lập và tập trung đầu tư cho hai đại học quốc gia để Việt Nam sớm có các đại học đẳng cấp thế giới. Đích thân cố Thủ tướng đã chọn vị trí cuối Đại lộ Thăng Long ở Thạch Thất, Hà Nội, là nơi giao thoa, điểm nối trung tâm Thủ đô Hà Nội và Hòa Lạc làm địa điểm xây dựng ĐHQGHN.

Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân (áo trắng) cùng các thành viên ban giám đốc tham quan các hạng mục công trình hoàn thiện
Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân (áo trắng) cùng các thành viên ban giám đốc tham quan các hạng mục công trình hoàn thiện

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hai Đại học Quốc gia (ĐHQG), trong đó có ĐHQGHN phát triển, Thường vụ Bộ Chính trị đã có Kết luận số 315-TB/TW ngày 29/8/2000, nêu rõ: “Chủ trương xây dựng hai ĐHQG thành những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu hướng phát triển giáo dục đại học của khu vực và thế giới...

ĐHQG chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, của các Bộ, ngành khác trong lĩnh vực liên quan phù hợp theo quy định của Chính phủ và Luật Giáo dục, đảm bảo quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐHQG; tạo cho được ĐHQG trở thành một thực thể hữu cơ phát huy cao nhất hiệu quả của việc xây dựng và sử dụng đội ngũ giáo viên, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất...”.

Ngày 20/12/2003, Dự án ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc đã chính thức khởi công với sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Từ đó đến nay, trải qua một chặng đường dài xây dựng và phát triển, ĐHQGHN được kỳ vọng trở thành khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Ðông Nam Á, “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với ĐHQGHN mà còn là diện mạo của cả nước” – như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong chuyến thăm và làm việc tại ĐHQGHN năm 2016, khi ông đang giữ cương vị Thủ tướng.

Tại buổi làm việc mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban lãnh đạo ĐHQGHN, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thực hiện dứt điểm dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với tư duy, cách làm mới. Thủ tướng yêu cầu triển khai dự án theo hướng khu đô thị đại học quốc gia, việc xây dựng có thể phân kỳ nhưng quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn.

Thủ tướng gợi ý mô hình “5 trong 1” trong khu đô thị đại học này: Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, ĐHQGHN đã tập trung toàn lực vào việc hiện thực hóa mục tiêu đưa 15.000 sinh viên lên học tập tại cơ sở Hòa Lạc. Điều này phù hợp với chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và TP. HCM đang có trụ sở tại các quận trung tâm ra ngoại thành để giải quyết khó khăn, bất cập về không gian và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của các đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và những ảnh hưởng tới sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.

Thể hiện quyết tâm cao, chỉ trong vòng 6 tháng, ĐHQGHN đã hoàn thiện cơ bản giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, Thư viện và khu vực điều hành ĐHQGHN. Ngày 19/05/2022 viết tiếp một trang sử mới khi ĐHQGHN chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc theo Thông báo số 1666/TB-ĐHQGHN. Từ đây, toàn thể cán bộ khối Cơ quan ĐHQGHN (bao gồm Văn phòng và các ban chức năng của ĐHQGHN) tiếp tục làm việc tại Hòa Lạc. Khi ĐHQGHN chuyển động, con người và ý chí vì sự phát triển ĐHQGHN như được tiếp thêm niềm tin, động lực để vươn cao và xa hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.