Theo Bloomberg, ngày 15/6, nhóm sinh viên yêu cầu phán quyết trước tòa, tố Đại học Harvard phân biệt đối xử đối với các sinh viên Mỹ gốc Á bằng việc giới hạn số lượng tuyển sinh giống như cách trường này từng làm đối với sinh viên Do Thái.
Nhóm sinh viên đệ đơn kiện từ năm 2014 nói với thẩm phán liên bang tại Boston rằng họ đã thu thập được các bằng chứng “không thể chối cãi” cho thấy Harvard “thao túng quy trình tuyển sinh” nhằm mục tiêu bất hợp pháp.
Ngày 15/6, Harvard khẳng định số lượng sinh viên gốc Á tại trường tăng 29% trong 10 năm qua.
Theo nhóm khởi kiện, văn phòng của Harvard đã lờ đi thông tin rằng năm 2013, người Mỹ gốc Á đáng lẽ phải chiếm 26% tổng số sinh viên, bất kể sự thiên vị của trường này dành cho con em của cựu sinh viên và nhiều “đánh giá cá nhân” chủ quan khác.
Luật sư của nhóm sinh viên cho rằng lãnh đạo phụ trách tuyển sinh của Harvard đã lảng tránh vấn đề trong lúc lấy lời khai và có vẻ như có vấn đề về trí nhớ. “Quy trình dễ dàng bị thao túng, như lịch sử và dữ liệu đầy đủ chứng minh. Dữ liệu chỉ ra rằng có sự phân biệt lớn đối với sinh viên Mỹ gốc Á và Harvard biết điều này”.
Trong khi đó, luật sư của trường Harvard yêu cầu tòa án bác bỏ vụ kiện. Trong bản kiến nghị ngày 15/6, trường cho biết dữ liệu tuyển sinh và các lời khai không chứng minh được lời cáo buộc của nhóm sinh viên.
“Nhóm sinh viên chỉ cung cấp những số liệu có lợi cho cáo buộc của họ, nhưng bằng chứng đó có quá nhiều thiếu sót để có thể xác minh hành vi phân biệt đối xử”, nhóm luật sư viết.
Theo phía trường đại học, không có sự phân biệt đối xử với bất kỳ nhóm nào và bằng chứng cho thấy tỷ lệ tuyển sinh đối với sinh viên Mỹ gốc Á tăng 29% trong 10 năm qua. Đồng thời, Harvard chỉ trích Edward Blum, thủ lĩnh nhóm sinh viên và tố nhóm này không có quyền khởi kiện.
“Anh Blum cùng sự phân tích dữ liệu một cách thiếu sót và sai lệch của tổ chức này đã bỏ qua những thông tin quan trọng bất lợi cho lý lẽ của anh ta, như bài luận cá nhân và thư giới thiệu của giáo viên, vẽ nên hình ảnh không chính xác về quy trình tuyển sinh toàn diện của Đại học Harvard”, trường đại học tuyên bố.
Hồi tháng 4, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết có “quan tâm đáng kể” tới vụ kiện và yêu cầu tòa án công khai dữ liệu tuyển sinh. Harvard phản hồi rằng họ đã cung cấp thông tin cho chính quyền phục vụ cuộc điều tra.
Vụ kiện dự kiến sẽ được xét xử vào tháng 10 và có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đối với tiêu chí sắc tộc trong tuyển sinh đại học.
Hồi tháng 3, Harvard thông báo chấp nhận 4,59% ứng viên nhập học khóa 2022. Trong đó, theo tờ Harvard Crimson, nữ giới chiếm một nửa số sinh viên được tuyển và người Mỹ gốc Á chiếm 22,7%. Hàng năm, Harvard chỉ có 1,600 chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào nhưng nhận được khoảng 40.000 hồ sơ.