Lo kiếm cơm thay vì tới trường
“Chúng cháu không có tiền để đi học. Bố cháu bị liệt và mẹ cháu không thể làm việc” - trải lòng của cô bé 12 tuổi Shams Ali, cùng với 2 em bán kẹo cao su và giấy ăn trên đường phố Mosul, Bắc Iraq, để giúp gia đình tồn vong.
Cuộc sống vô cùng cơ cực với Shams và các em kể từ khi bố bị thương trong một vụ nổ khi gia đình sơ tán khỏi Mosul vào cao điểm chiến dịch truy quét phiến quân IS năm ngoái. “Gia đình giờ đây dựa vào thực phẩm ít ỏi mà chúng cháu mang về. Không còn thời gian để học nữa” – cô bé nói với giọng buồn rầu.
Hoàn cảnh của Shams giống như hàng trăm ngàn trẻ em Iraq bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, đặc biệt tại những khu vực trước đây IS kiểm soát như Mosul, Nineveh và Anbar.
Mustafa Khatib, một nhà hoạt động xã hội tại Mosul, nhận xét, hoạt động của chính phủ và các tổ chức nhân đạo tại Mosul là “không có tổ chức và khó hiểu”. “Họ hoạt động không có chiến lược hoặc kế hoạch cụ thể. Điều này ảnh hưởng tới giáo dục, y tế và các dịch vụ cơ bản khác cho trẻ em” - Khatib nói - “Tương lai của trẻ em Iraq cần phải đặt lên đầu các ưu tiên của chính phủ cũng như các tổ chức cứu trợ”.
Liên Hiêp Quốc cho biết khoảng một nửa trong 2,6 triệu người phải dời bỏ nhà cửa tại Iraq trong 3 năm chiến tranh với IS - là trẻ em. 5 triệu trong tổng số 20 triệu trẻ em cần cứu trợ nhân đạo, 3 triệu em không được tới trường thường xuyên và 1,2 triệu trẻ không được tới trường.
Ít nhất 1 trong 4 trẻ em Iraq bị ảnh hưởng bởi xung đột và đói nghèo, 50% trường học tại Iraq cần tu bổ khẩn cấp.
Hiện hữu nguy cơ một thế hệ thất học
Khalaf al-Hadidi, Ủy viên hội đồng cấp tỉnh tại Nineveh, chỉ ra vô số khó khăn mà khu vực này đối mặt: “Tỉnh này nhiều năm đã không được xây dựng và phát triển, sa sút về giáo dục, nhân quyền. Việc IS chiếm nơi này làm căn cứ càng khiến mức độ tàn phá kinh tế xã hội kinh khủng”.
“Bạo lực và tháo chạy đã khiến hàng ngàn trẻ em bị tước đi giáo dục và cuộc sống bình thường” - Hadidi cũng nhấn mạnh rằng có hơn 5.000 trẻ mồ côi và 5.000 góa phụ tại Mosul, những người đã mất nhà cửa và nguồn chu cấp kinh tế; cùng với khoảng 6.000 trẻ không được đi học tại các trại tị nạn Hammam al-Alil 1 và Hammam al-Alil 2.
“Đây là những con số đáng sợ. Chúng tôi đã cố gắng làm việc với Bộ Giáo dục và các tổ chức cứu trợ quốc tế để có một loại hình giáo dục nào đó nhưng vẫn chưa có kết quả” - Hadidi cho biết thêm.
Hadidi kêu gọi chính phủ trung ương quan tâm đặc biệt tới trẻ em bị tước đi giáo dục và điều kiện cơ bản, “nếu không hành động nhanh, Iraq sẽ có một thế hệ tương lai thất học”.
Trẻ em Iraq đã trở thành nạn nhân tình trạng bất ổn chính trị sâu sắc từ trước khi liên quân do Mỹ dẫn đầu lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em bắt đầu với các trừng phạt khắc nghiệt của Liên Hiêp Quốc đối với chế độ cựu độc tài Saddam Hussein và ngày càng trầm trọng hơn bởi những cuộc chiến tranh và bạo lực sắc tộc triền miên – gánh hậu quả nặng nhất là trẻ em.
Một số lượng lớn trẻ em có những vấn đề về sức khoẻ tâm thần như rối loạn tâm lí sau chấn thương, có thể gây ảnh hưởng tới phát triển não, thể chất và tinh thần.