Đại dịch kết thúc hay chưa?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/9 tuyên bố Covid-19 đã kết thúc tại Mỹ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngay lập tức, những người đang mắc các hội chứng hậu Covid kéo dài đổ về biểu tình tại Nhà Trắng ngày 20/9 để phản đối và họ cũng được chuyên gia ủng hộ.

Theo Tổng thống Biden, dù đại dịch Covid-19 tại Mỹ đã chấm dứt khi không còn ai phải đeo khẩu trang, mọi người trong trạng thái sức khỏe tốt, nhưng chính phủ nước này vẫn còn nhiều việc phải làm. Hiện, Mỹ vẫn coi Covid-19 là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng.

Tuyên bố hết dịch của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh đã có nhiều phát biểu lạc quan về Covid-19 của các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14/9 cho biết, số ca tử vong vì Covid-19 đang ở mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 3/2020.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện vẫn coi Covid-19 là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây lo ngại quốc tế, nhưng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, thế giới “chưa bao giờ ở vị thế tốt hơn để kết thúc đại dịch”. Ông cũng thận trọng nói thêm, thế giới chưa đi đến bước đó nhưng ngày kết thúc đại dịch đã trong tầm mắt.

Từ tháng 8 vừa qua, CDC Mỹ đã khuyến nghị không cần áp dụng những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như cách ly và giãn cách xã hội, thay vào đó tập trung ngăn các ca Covid-19 diễn tiến nặng và nhóm người dễ tổn thương như người cao tuổi, suy giảm miễn dịch, khuyết tật hoặc có bệnh lý nền.

Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nước Mỹ đã hết dịch, dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins trong hai tuần qua vẫn ghi nhận khoảng 65.000 ca mắc mới và khoảng 400 người chết mỗi ngày tại Mỹ vì Covid-19. Kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020 đã có hơn một triệu người Mỹ chết vì Covid-19.

Mỹ cũng không phải quốc gia đầu tiên tuyên bố hết dịch vì trước đó một số quốc gia như Thụy Điển, Slovenia, Campuchia cũng có tuyên bố tương tự. Còn lại hầu hết các nước trên thế giới đã chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19 và khôi phục hoàn toàn các hoạt động như trước dịch, trừ Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc coi Mỹ đã hết dịch không phải được tất cả đều đồng tình. Ngay trong ngày 20/9, hàng trăm người mắc các hội chứng Covid-19 kéo dài đã kéo về biểu tình phản đối bên ngoài Nhà Trắng. Một số người mắc bệnh viêm cơ não tủy hoặc hội chứng mệt mỏi mãn tính do di chứng mắc Covid-19 để lại đã biểu tình nằm trên vỉa hè bên ngoài Nhà Trắng.

Những người này lập luận rằng, hàng triệu người vẫn đang phải vật lộn khổ sở sau khi nhiễm virus và cần Chính phủ Mỹ hành động khẩn cấp để đối phó, chứ không phải tuyên bố hết dịch. Họ kêu gọi Tổng thống Joe Biden phải ban bố hội chứng Covid-19 kéo dài là tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của nước Mỹ là bác sĩ Anthony Fauci cũng cho rằng, hiện nước Mỹ vẫn chưa thể đạt tới trạng thái mong muốn trong cuộc chiến chống dịch. Theo ông, việc đại dịch Covid-19 có chấm dứt hay không phụ thuộc nhiều vào cách quốc gia đối phó với những biến thể trong tương lai.

Bác sĩ Fauci cũng nhấn mạnh con số hàng ngày vẫn còn 400 người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố hết dịch. Ông cũng nhận định khi không thể diệt trừ tận gốc virus thì sẽ phải sống chung với nó trong nhiều năm, vì thế giới đến nay mới chỉ tận trừ được một loại virus truyền nhiễm duy nhất là bệnh đậu mùa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...