Đại Cồ Việt: Huy hoàng quân đội 1.052 năm trước

Đại Cồ Việt: Huy hoàng quân đội 1.052 năm trước

Nơi gắn với 3 triều đại

Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên (Hoa Lư - Ninh Bình), cách Thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn ngủi 42 năm, nhưng tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: Sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là Đinh, Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Thăng Long.

Theo các nguồn sử liệu, vị trí dựng đặt kinh đô Hoa Lư có diện tích khoảng 300ha, là vùng đồng chiêm trũng được bao quanh bởi núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, núi non hiểm trở. Với tầm nhìn quân sự, Đinh Tiên Hoàng đã triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên để xây thành, đắp lũy, nối liền các khoảng trống giữa các dãy núi thành một hệ thống khép kín.

Kinh đô Hoa Lư bao gồm thành Ngoại và thành Nội. Thành Ngoại rộng khoảng 140ha thuộc địa phận các thôn Yên Thượng, Yên Thành, xã Trường Yên. Đây là cung điện chính mà khu vực đền Đinh, đền Lê là trung tâm và cũng chính là nơi vua Đinh Tiên Hoàng cắm cờ nước.

Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Đinh lấy núi làm án. Thành Nội có diện tích tương đương thành Ngoại, thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên có tên là Thư Nhi xã, nơi nuôi trẻ em và những người giúp việc trong cung đình. Hai thành này được ngăn cách với nhau bằng một lối đi tương đối hiểm trở gọi là quèn Vòng.

Kinh đô Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng tổ chức xây dựng là một công trình kiến trúc lớn nhất của đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc. Xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Bộ Lĩnh đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng một mô hình Nhà nước với thiết chế mới.

Tổ chức bộ máy Nhà nước ở triều đình được chia làm hai ban văn, võ. Do nguồn sử liệu biên chép về thời kỳ này khá hạn chế nên chỉ có thể biết được năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Nguyễn Bặc chức Định quốc công đứng đầu triều, Lưu Cơ được phong là Đô hộ phủ sĩ sư trông coi việc hình án. Ngoài ra còn có chức Thái sư do Hồng Hiến (người gốc Trung Quốc) đảm nhiệm.

Con đường lát gạch vào đền thờ vua Đinh, vua Lê.
Con đường lát gạch vào đền thờ vua Đinh, vua Lê.
Tại đền thờ vua Đinh, vua Lê các nhà khảo cổ đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ.
Tại đền thờ vua Đinh, vua Lê các nhà khảo cổ đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ.

Quân đội tới 1 triệu người?

Đại Cồ Việt: Huy hoàng quân đội 1.052 năm trước ảnh 3
Xưa, hai thành Nội – Ngoại ngăn cách nhau bằng một lối đi hiểm trở gọi là quèn Vòng.

Trong năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân đứng đầu quân đội. Năm 974, cùng với việc chia đất nước thành 10 đạo, Đinh Tiên Hoàng quy định số quân của các đạo: “Mỗi đạo có 10 quân, mỗi quân có 10 lữ, mỗi lữ có 10 tốt, mỗi tốt có 10 ngũ, mỗi ngũ có 10 người, đầu đội mũ bình đính vuông bốn góc”.

Như vậy, dưới triều Đinh, lực lượng quân đội lên đến khoảng 1 triệu người (chiếm 1/3 dân số). Về số liệu này, các sử gia sau này có nhiều nghi hoặc. Sử gia Ngô Thì Sĩ cho rằng: Lúc bấy giờ binh và nông chưa chia, khi có việc thì gọi ra, xong việc thì về làm ruộng.

Các sử gia hiện nay cũng đồng tình về ý kiến này, cho rằng việc định ngạch quân 10 đạo là định sẵn khung biên chế quân đội trong cả nước, và đăng ký vào sổ quân, khi cần thiết triều đình sẽ gọi lính. Tới thời Lý, quân đội thường trực cũng chỉ có khoảng 10 vạn người nên thời Đinh số quân thường trực không thể đạt tới con số đó và các sử gia ước tính số quân thời Đinh khoảng 3 - 4 vạn người.

Một số nhà sử học cho rằng, con số 1 triệu người trong quân đội nhà Đinh chỉ phản ánh mong ước của triều đình đặt ra. Điều kiện thực tế khi đó chưa thể có số dân và đinh cho phép tổ chức thành những đạo quân đông đảo như vậy.

Phạm Phòng át tức Phạm Bạch Hổ, nguyên là sứ quân hùng cứ vùng Kim Động (Hưng Yên) được phong chức Thân vệ tướng quân nắm giữ quân đội trong kinh thành với lực lượng khoảng 3.000 người trực tiếp bảo vệ kinh đô; Ngoại giáp Đinh Điền và Vệ úy Phạm Hạp cùng trông coi lực lượng quân sự bên ngoài.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học: Đảm nhiệm công việc bang giao, Đinh Tiên Hoàng giao cho con trai trưởng là Đinh Liễn đặc trách. Năm 969, chỉ một năm sau khi Vương triều thành lập, Đinh Tiên Hoàng phong cho Đinh Liễn làm Nam Việt Vương và “mùa xuân, tháng Giêng năm Canh Ngọ (970) sai sứ sang giao hảo với nhà Tống” chính thức đặt mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Trong triều đình Hoa Lư, bên cạnh đội tướng lĩnh ngũ công thần thì tầng lớp tăng lữ có một vai trò rất quan trọng. Đội ngũ này gần như là cố vấn cho Hoàng đế và triều đình trong công tác nội trị và bang giao. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng ban hiệu Khuông Việt đại sư cho Tăng thống Ngô Chân Lưu, cho Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi...

Dưới thời Đinh, tổ chức bộ máy chính quyền ở địa phương không được sử sách ghi chép nhiều. Năm 974, Đinh Tiên Hoàng chia cả nước Đại Cồ Việt làm 10 đạo, gồm các cấp: Đạo, phủ, châu, giáp và xã.

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ phỏng đoán: Có lẽ, người đứng đầu đạo do triều đình cử về (như trường hợp Bùi Quang Dũng được cử về trấn giữ vùng Bố Hải khẩu, Thái Bình); chức phủ, châu do thổ hào địa phương nắm giữ còn giáp và xã có quản giáp, phó tri giáp, chánh lệnh trưởng, tá lệnh trưởng đứng đầu như từ thời họ Khúc.

Dấu tích sau 1.052 năm

Đại Cồ Việt: Huy hoàng quân đội 1.052 năm trước ảnh 4
Long sàng - Bảo vật quốc gia.

Đến năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì Hoa Lư chỉ còn là Cố đô được coi là một căn cứ địa quân sự hết sức quan trọng của quân và dân Đại Việt dưới các triều đại: Lý – Trần – Lê – Mạc – Tây Sơn…

Ngày nay hình ảnh của Cố đô Hoa Lư tuy không còn nguyên vẹn mà thay vào đó là đền thờ: Vua Đinh – vua Lê được dựng ngay trên nền của Cố đô Hoa Lư xưa. Hai ngôi đền cách nhau khoảng 500m, do khoảng cách gần nhau nên du khách thường gọi “Cố đô Hoa Lư” là “Đền vua Đinh – vua Lê”.

Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba toà bái đường, Thiêu hương và hậu cung.

Tại bái đường có “Long Sàng” làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng vua Ðinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá… trang trí tại đền đều khá tinh xảo.

Ðền vua Lê nằm cách đền vua Ðinh chừng 500m thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền vua Lê có quy mô nhỏ hơn nhưng có ba toà: Bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; Chính cung – thờ vua Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn) ở giữa, bên phải là Lê Ngọa Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga.

Ðền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây, người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền.

Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: Chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200m) thu hút được nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.