Kon Tum: Dân “chết khát” bên nhà máy nước sạch

GD&TĐ - Nhiều năm qua, người dân ở các xã tại huyện Sa Thầy luôn thiếu nước sinh hoạt mùa khô.

Người dân “khát nước” bên nhà máy nước sạch.
Người dân “khát nước” bên nhà máy nước sạch.

Hàng trăm tỷ đồng ngân sách đã được chi ra để xây dựng nhà máy nước sạch. Nhưng đến nay, dân vẫn khát bên cạnh nhà máy cấp nước.

Nhiều năm trở lại đây, mỗi khi vào mùa khô hạn, người dân tại xã Sa Nghĩa, Sa Bình, Sa Nhơn và thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, Kon Tum) thường xuyên thiếu nước ăn uống và sinh hoạt.

Nhận thấy sự cấp thiết của công trình nước sạch nên năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy.

Dự án có công suất 5.100 m3/ngày, cấp nước sạch sinh hoạt cho hơn 27.000 hộ dân sinh sống tại thị trấn Sa Thầy và các xã Sa Bình, Sa Nghĩa, Sa Nhơn…

Dự án có tổng mức đầu tư là 116 tỷ đồng, được giao cho Ban Quản lý các dự án 98 làm chủ đầu tư. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019.

Những tưởng dự án được triển khai, cuộc sống của người dân sẽ ổn định, không còn thiếu nước vào mùa khô hạn. Tuy nhiên, đến năm 2021, người dân trên địa bàn huyện Sa Thầy vẫn “khát nước”.

Bà Đỗ Thị Thủy (58 tuổi, trú thôn Nghĩa Long, huyện Sa Thầy) cho hay, mùa mưa thì không sao, nhưng khi mùa khô bắt đầu thì rất nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Mỗi khi vào mùa khô, giếng nước của gia đình cạn rộc. Không có nước sử dụng, nhiều gia đình phải mang thùng, can đi xin nước.

“Năm nào cũng như vậy, cứ mùa khô hàng chục gia đình lại xách xô, can đi xin nước về sử dụng. Chúng tôi nghe nói có dự án nhà máy nước sạch ở huyện, những tưởng cuộc sống sẽ bớt khổ. Nhưng chờ mãi, đến nay vẫn chưa thấy nước sạch về nhà. Hàng ngày từ già trẻ, gái trai hay học sinh lại rủ nhau đi xin nước về dùng”, bà Thủy nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hiền (73 tuổi, thôn Bình Tây, xã Sa Bình) cho hay, thời gian này các hộ dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để có nước sử dụng, nhiều gia đình phải đi xin ở các làng lân cận. Thiếu nước, một số người dân ra suối, sông tắm, giặt để tiết kiệm.

“Nước sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của người dân. Do đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm để người dân sớm có nước để sử dụng”, bà Hiền tâm sự.

Ông Trần Đình Huân, Chánh văn phòng UBND huyện Sa Thầy cho biết, hiện nay trên địa bàn đang xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ ở một số xã. Đặc biệt là xã Sa Bình, Sa Nghĩa…

Theo ông Huân, việc thiếu nước sinh hoạt xảy ra thường xuyên trên địa bàn. Để có nước sử dụng, người dân phải đi xin nước ở những vùng lân cận.

Nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, những năm qua huyện đã có nhiều phương án hỗ trợ khoan giếng, cử bộ đội chở nước đến cho bà con. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước vẫn chưa thể khắc phục được.

Ông Huân cho hay, năm 2018 nhà máy cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy được khởi công xây dựng. Nhà máy này có nhiệm vụ cấp nước cho các xã Sa Bình, Sa Nghĩa, Sa Nhơn và thị trấn Sa Thầy.

Tuy nhiên, do việc thi công chậm nên đến nay nhà máy vẫn chưa hoàn thành. Chính vì vậy ảnh hưởng đến đời sống của người dân. UBND tỉnh đã cho gia hạn đến tháng 6/2021 dự án này phải hoàn thành và đưa vào sử dụng.

“Huyện cũng rất mong nhà máy cấp nước sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để cuộc sống người dân bớt khó khăn. Tuy nhiên, chủ đầu tư cho rằng, do dịch bệnh Covid-19 và tình hình mưa bão thường xuyên xảy ra trên địa bàn nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công” ông Huân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.