Bỏ tiền tỷ xây công trình nước cho dân nghèo
Huyện Văn Chấn triển khai xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt dẫn nước về từng hộ đã hơn 1 năm. Gia đình anh Hà Văn Kem đã được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh hàng ngày.
Các hộ dân sinh sống tại khu tái định cư (TĐC) Noong Mi, thôn bản Tủ, xã Sơn Lương cũng vậy. Người dân nơi đây không còn phải đi dẫn nước khe về dùng như trước nữa.
Anh Kem chia sẻ: “Sau bão lũ, gia đình tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện bố trí đất để làm nhà ở tại khu TĐC mới. Song nguồn nước sinh hoạt hằng ngày thì vô cùng khó khăn.
Vài hộ dân chúng tôi góp tiền mua đường ống, dẫn nước ở khe trong rừng dài tới gần 5km. Mỗi lần trời mưa to là lại bị trôi ống rồi mất nước. Do huyện đầu tư xây dựng hệ thống dẫn nước sạch, cuộc sống của người dân được cải thiện nhiều. Nước sinh hoạt đảm bảo, sức khỏe cũng được nâng lên…”.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trong năm 2018, xã Sơn Lương đã di dời 115 hộ dân đến sinh sống tại Khu TĐC Noong Mi, thôn bản Tủ và Khu TĐC Thủy điện 2. Do địa hình đất dốc, người dân đầu tư đào giếng khoan song không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Chất lượng nguồn nước cũng không bảo đảm.
Sau khi được đầu tư, hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước, gần 270 hộ dân của 2 thôn bản Pảo và bản Tủ đã có nguồn nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt mỗi ngày.
Ông Hà Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn cho biết: “Phải sống trong cảnh thiếu nước sạch từ lâu, khi có chủ trương được xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, nhiều hộ dân trong bản đã tham gia đóng góp ngày công lao động. Họ đào, đắp các tuyến ống dẫn nước. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mang lại niềm vui lớn cho người dân nơi đây”.
Đưa nước sạch về trường
Để ổn định cuộc sống cho người dân, từ nguồn vốn khắc phục hậu quả bão lũ, huyện Văn Chấn đã triển khai xây dựng 4 công trình cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân tại 4 xã chịu ảnh hưởng của thiên tai là: Sơn Lương, An Lương, Nậm Mười và Sùng Đô. Tổng kinh phí hơn 8,1 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của gần 1.000 hộ dân.
Trong đó, huyện tập trung đầu tư, lắp đặt cho một số đơn vị trường học và người dân tại các khu tái định cư, khu trung tâm của xã. Ngoài ra còn có những điểm khó khăn về nước.
Bà Đinh Thị Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học An Lương cho biết: “Công trình nước sạch sau khi được lắp đặt đưa vào sử dụng đã có hiệu quả thiết thực trong việc vệ sinh, chăm sóc học sinh của nhà trường. Học sinh được sử dụng nguồn nước phục vụ vệ sinh cá nhân.
Nhà trường cũng có thêm nguồn nước đảm bảo cho việc nấu ăn, phục vụ học sinh. Chúng tôi đã quán triệt đội ngũ cán bộ, giáo viên và thực hiện tuyên truyền tới người dân sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm để phục vụ lâu dài”.
Để các công trình cung cấp nước sạch phát huy hiệu quả lâu dài, ngay sau khi hoàn thành các hạng mục của công trình, Ban Quản lý dự án huyện Văn Chấn đã bàn giao cho chính quyền các xã đưa vào sử dụng. Đồng thời, ký cam kết, hiệp đồng đảm bảo về chất lượng công trình giữa nhà thầu và đơn vị tham gia giám sát.
Xây dựng kế hoạch duy tu, hệ thống bể chứa và bảo dưỡng đường ống dẫn nước hàng tháng. Đặc biệt, vào thời điểm mùa mưa, đơn vị thụ hưởng tổ chức gia cố những điểm có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới công trình.
Nhờ chủ động các nguồn cung cấp nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước sạch, hàng nghìn hộ dân và đông đảo học sinh ở vùng cao huyện Văn Chấn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe của người dân.
Được biết, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật cấp nước sinh hoạt tập trung. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giúp người dân xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ.
Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 352 công trình cấp nước tập trung, 97.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ đang hoạt động, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 600.000 người dân nông thôn.