Sáng 29/5, thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Bùi Thị An cho biết, bà không muốn thông qua Luật này vì không bình đẳng khi quy định nam giới làm việc đến 62 tuổi trong khi phụ nữ làm việc đến 60 tuổi.
Bà dẫn chứng thống kê trên thế giới, có 60% quốc gia có tuổi nghỉ hưu nam nữ ngang nhau còn việc quy định độ tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam không dựa trên cơ sở nào.
"Tôi không hiểu sao nam giới hay ca ngợi thiên chức làm vợ làm mẹ, bình đẳng giới mà không đồng ý bình đẳng tuổi nghỉ hưu" - Bà Bùi Thị An nhận xét.
Đại biểu Lê Hiền Vân cho rằng việc kéo dài tuổi và lộ trình thực hiện tuổi hưu với nữ 60 tuổi và nam 62 tuổi là chưa đủ cơ sở, chưa thuyết phục.
Ông cho rằng, việc kéo dài tuổi không phải nguyên nhân vỡ quỹ bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc kéo dài tuổi hưu sẽ khó giải quyết vấn đề biên chế, dẫn đến nguồn nhân lực làm việc không đạt chất lượng và nhân lực trẻ không thể bù đắp, những lao động này sẽ trở thành gánh nặng xã hội.
"Có một phần cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về mà xã hội vẫn phải chăm lo trong khi không đóng góp gì. Chính phủ hiện chưa thống kê bao nhiêu cán bộ, viên chức có chất lượng" - Ông Vân nêu quan điểm.
Phần lớn đại biểu yêu cầu thực hiện theo Bộ luật lao động, chỉ nâng tuổi nghỉ hưu với người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt để đảm bảo đồng bộ giữa các luật, không lãng phí nguồn lực chất xám với lao động chuyên môn cao.
Cách tính lương hưu mới và mở rộng diện đóng bảo hiểm cũng khiến một số đại biểu Quốc hội băn khoăn. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thanh, nếu Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua thì lương hưu của cán bộ viên chức sẽ giảm 25 - 52%, lực lượng vũ trang sẽ giảm 34 - 46%. Ông đưa ví dụ, một đại tá nghỉ hưu năm nay có lương 10 triệu, song nếu họ nghỉ hưu từ năm 2015 chỉ được 6 triệu đồng mỗi tháng.
"Chúng ta nên tách riêng chế độ lương hưu với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang. Còn người lao động tại doanh nghiệp đóng bao nhiêu sẽ hưởng bảo hiểm bấy nhiêu" - Đại biểu Thanh gợi ý.
Các cơ quan, doanh nghiệp còn nợ đọng quỹ bảo hiểm xã hội 11.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Theo đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, nếu mở rộng quy định người lao động phải đóng bảo hiểm khi có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng thì hoàn toàn không khả thi, bởi đa số họ đang thử việc, sẽ gây khó khăn cho người sử dụng lao động, họ sẽ trốn ký hợp đồng với người lao động lại càng gây khó khăn cho quản lý.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường thì cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội được đưa ra thảo luận trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều biến động nên phải làm kỹ lưỡng hơn, nhất là sau các vụ việc ở Bình Dương, Vũng Áng.
Ông Thường cho rằng, trực tiếp chứng kiến điều kiện công nhân ở Bình Dương mới thấy công nhân rất khó khăn, thu nhập chỉ 2 triệu đồng mỗi tháng, ăn cơm trắng là chủ yếu.
Do vậy, vì những khó khăn của ngành bảo hiểm, lo ngại vỡ quỹ mà tăng thu từ người lao động, doanh nghiệp là không đúng, tất cả sẽ dồn vào người lao động.
"Trong luật phải xác định kiểm soát chặt chẽ quỹ bảo hiểm và tăng cường thẩm quyền cho thanh tra bảo hiểm. Hiện nay còn nợ đọng 11.000 tỷ đồng nên phải tăng cường thanh kiểm tra để tránh thất thu, mới giải quyết được vấn đề" - Đại biểu Lê Hiền Vân nhận xét.
Trước đó, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết: Chính sách bảo hiểm đã bất cập nhiều năm nay. Đó là người lao động không đóng bảo hiểm song vẫn được hưởng lương hưu nên ngân sách nhà nước phải bao cấp toàn bộ. Hiện nhà nước nợ ngân sách với quỹ bảo hiểm là 22.000 tỷ đồng, treo từ năm 2009.
Ngoài ra, từ năm 1995 đến nay, nhiều người đóng ít mà hưởng lương hưu nhiều, như lực lượng công an, quân đội bằng cách tính trung bình 5 năm cuối công tác.
Thực tế lương các năm cuối bao giờ cũng cao hơn các năm đầu nên quỹ bảo hiểm cũng phải chịu. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phải trợ cấp xã hội cho 1,2 triệu người trên 80 tuổi với kinh phí gần 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng, nếu vỡ quỹ thì đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động nghỉ hưu không có thu nhập. Trợ cấp xã hội cho hàng triệu người sẽ là gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
"Điều chỉnh luật bảo hiểm xã hội tại thời điểm này là không thể chậm chễ hơn được nữa" - Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà nhấn mạnh.