Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp như hiện nay, giảng dạy trực tuyến trở thành lựa chọn bắt buộc đối với thầy trò trường Tiểu học Trưng Vương (Thành phố Vũng Tàu), trong bối cảnh học sinh thiếu thốn trang thiết bị, kỹ năng công nghệ internet của các thầy cô còn yếu…
Không để một học sinh nào bị bỏ lại phía sau
Những ngày này, toàn thành phố Vũng Tàu vẫn đang giãn cách xã hội, việc đến trường của thầy trò trường Tiểu học Trưng Vương phải tạm dừng để đảm bảo an toàn sức khỏe. Ngày 5/9, các em được dự lễ khai giảng trực tuyến trên đài phát thanh truyền hình tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ đó đến thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của Phòng Giáo dục TP Vũng Tàu “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, tất cả các hoạt động học tập đều được áp dụng bằng hình thức trực tuyến.
Mặc dù hình thức giảng dạy trực tuyến đã từng được áp dụng từ cuối năm học 2019-2020, nhưng vẫn còn những khó khăn. Học sinh không đủ phương tiện và đường truyền, một số em trong khu vực phong tỏa hoặc đi cách ly tập trung, có em về quê và bị mắc kẹt tại địa phương. Mặt khác, trong suốt thời gian nghỉ hè, do phải thực hiện giãn cách xã hội, nên nhiều phụ huynh vẫn chưa mua sắm được sách vở, đồ dùng học tập cho con… Trước những khó khăn và thách thức ấy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chủ động hướng dẫn giáo viên tìm cách khắc phục.
Những em thiếu phương tiện sẽ được Nhà trường lập danh sách xin nguồn hỗ trợ, đồng thời các lớp cũng kêu gọi tinh thần “tương thân tương ái”. Hưởng ứng lời kêu gọi từ Nhà trường, nhiều gia đình phụ huynh đã cho mượn hoặc tặng các thiết bị để giúp các bạn cùng trường có hoàn cảnh khó khăn.
Thư viện Nhà trường nhanh chóng nhận và trả sách cho từng học sinh đăng kí mua, đặc biệt là các em lớp 1, 2 học Chương trinh Giáo dục Phổ thông 2018. Phong trào tặng sách giáo khoa cũ cho bạn có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng được hưởng ứng.
Ngoài ra, Nhà trường giới thiệu bản sách giáo khoa đã được số hóa do Nhà xuất bản cung cấp để đáp ứng phục vụ dạy học trực tuyến đầu năm học. Đối với những em phải ở trong khu cách ly, phong tỏa, xa gia đình đều được giáo viên chủ nhiệm liên hệ, tìm hiểu những khó khăn của các em để cùng tháo gỡ.
Nhờ những nỗ lực đó, phần lớn khó khăn về cơ sở vật chất đã được giải quyết, những mặc cảm ưu tư về tâm lý của học sinh được cởi bỏ. Điều này thấy rõ trên gương mặt rạng rỡ của thầy trò hiện lên trong lớp học trực tuyến, tất cả cùng “Đảm bảo dạy tốt để học trò được học một cách tốt nhất, chất lượng cao nhất”.
Vượt qua rào cản kỹ năng, công nghệ
Những năm trước đây khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, các thầy cô chưa kinh qua phương thức dạy trực tuyến, mà hình thức này mới mới chỉ được thực thi từ khi phải giãn cách xã hội. Vì vậy với hầu hết đội ngũ giáo viên, trở ngại chính là kỹ năng kỹ thuật công nghệ Internet còn yếu. Trong khi đó, dạy học trực tuyến vất vả và áp lực gấp nhiều lần so với trực tiếp.
Xác định “thời điểm khó khăn này là lúc mỗi nhà giáo thể hiện cao nhất tinh thần, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, với học sinh”, lãnh đạo Nhà trường đã nhanh chóng quán triệt tư tưởng, triển khai nhiệm vụ và phương hướng tới từng giáo viên. Các tổ hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ công nghệ thông tin cho giáo viên được thành lập.
Dựa trên hướng dẫn của Bộ giáo dục, các tổ khối chuyên môn họp và thống nhất nội dung cốt lõi truyền tải đến học sinh trong từng tiết học. Những phương pháp và kỹ thuật dạy học phù hợp được bàn bạc, tính toán sao cho tối ưu nhất. Các kênh học liệu, bài giảng trực tuyến trên truyền hình cũng được khuyến khích sử dụng để việc dạy học online diễn ra nhẹ nhàng, hiệu quả. Ban giám hiệu cũng thường xuyên dự giờ, thăm lớp để có những đóng góp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kịp thời cho giáo viên.
Bản thân mỗi giáo viên cũng phải nỗ lực tự trau dồi, tìm tòi học hỏi công nghệ, tích lũy kỹ năng truyền đạt trực tuyến để lôi cuốn các em vào tiết học. Mỗi bài giảng giờ đây được đầu tư, chăm chút không chỉ về nội dung kiến thức mà cả về phương thức, cách thức truyền tải.
Bài giảng powerpoint được thiết kế sinh động, kích thích đa giác quan của trẻ. Mỗi bài học được thiết kế như một câu chuyện, một hành trình khám phá kiến thức giải cứu các nhân vật hoạt hình, tìm kiếm kho báu. Các em từng bước giải quyết các nhiệm vụ học tập và chinh phục thử thách.
Thực tiễn giảng dạy cho thấy, tiết học trực tuyến với trẻ nhỏ ở lứa tuổi Tiểu học sẽ không thành công nếu giáo viên không chú ý tương tác tối đa với học sinh. Cách học hiệu quả nhất là các em được thực hành. Các ứng dụng phần mềm tương tác trực tuyến như Quizizz, Kahoot nhanh chóng được tôi tìm tòi áp dụng góp phần tạo hứng khởi cho học trò. Kiến thức bài học được liên hệ với thực tế cuộc sống quanh các em. Các thầy cô cố gắng giao các nhiệm vụ để trò quan sát và trực tiếp thao tác trong sinh hoạt hàng ngày của các em để phát triển các phẩm chất, năng lực học sinh.
Am hiểu, thấu hiểu tâm lý của trẻ em, đặc biệt trong thời buổi Covid cũng là cách để giáo viên đảm bảo giáo dục bằng cả tâm và chất. Môi trường, không gian giáo dục trực tuyến bị chia nhỏ, sợi dây kết nối là đường truyền mạng nên cảm nhận và chất xúc tác thầy trò bị gián đoạn so với trực tiếp.
Để mang không gian của bảng đen, phấn trắng trên trường học về nhà, đòi hỏi cả một nghệ thuật giảng dạy, với thống và khái quát trong sơ đồ tư duy, phần kiến thức trừu tượng được cụ thể hóa bằng các biểu tượng gần gũi với các em. Nhờ thế trò hiểu nhanh và nhớ lâu. (Hình ảnh cô và trò trường Tiểu học Trưng Vương trong các tiết học online)
Khi em phải sống trong giãn cách, lo lắng về dich bệnh, không được giao lưu, vui chơi và hoạt động ngoài trời hạn chế, khiến cả tâm lý và sức khỏe đều bị ảnh hưởng, Lúc này, giáo dục không chỉ làm nhiệm vụ giáo dục kiến thức mà cần đảm bảo cả về giáo dục thể chất. và tinh thần. Sau mỗi tiết học, nên cho các em chơi trò chơi vận động nhẹ nhàng, hát múa theo nhạc hoặc đơn giản là trò chuyện giao lưu với bạn bè. Để giảng dạy trực tuyến thực sự có hiệu quả, giáo viên cũng cần thường xuyên trao đổi phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình từng em, kịp thời giải quyết những vướng mắc.