Đại biểu Quốc hội nêu nguồn cơn bức xúc về bảo hiểm nhân thọ

GD&TĐ - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu nguồn cơn của nhiều bức xúc liên quan bảo hiểm nhân thọ thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) thảo luận tại hội trường sáng 31/5.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) thảo luận tại hội trường sáng 31/5.

Sáng 31/5, phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, về bản chất, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu những mất mát, thiệt hại.

Tuy nhiên, sau nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi nghi ngại.

Đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để những giá trị cốt lõi, nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi.

Hợp đồng bảo hiểm thường dài khoảng từ 70 đến 100 trang là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua.

Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết đầu tư nên càng phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, khâu mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo, tranh chấp vừa qua xuất phát từ đội ngũ tư vấn viên. Chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên.

Tuy nhiên, không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí sai lệch về sản phẩm. Nhiều tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi…

Theo đại biểu, chính sự thiếu minh bạch trong khâu tư vấn và tư vấn viên là nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc vừa qua.

Ngoài những đại lý, công ty bảo hiểm làm ăn uy tín, vẫn còn nhiều đại lý, công ty bảo hiểm biết nhưng cố bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm, gây bất lợi cho khách hàng.

"Khi một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp với một bên là người mua không chuyên nghiệp mà đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua là không hợp lý cả về lý và tình", đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu nhấn mạnh, tỉ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới, nên có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ, để người dân hiểu đúng, tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.

Đại biểu kiến nghị, Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc là tội lừa dối khách hàng.

Đã đến lúc các công ty bảo hiểm cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm, từ khâu thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng.

“Chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ”, đại biểu nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.