Thị trường Bảo hiểm nhân thọ: “Cuộc chiến” giành thị phần

GD&TĐ - Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) được đánh giá là một trong những ngành có mức tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Theo Báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hết quý III/2018 ước tính doanh thu phí bảo hiểm tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó BHNT tăng 27%.  

Hiện Bảo Việt tiếp tục duy trì vị trí số 1 trên thị trường BHNT
Hiện Bảo Việt tiếp tục duy trì vị trí số 1 trên thị trường BHNT

“Cuộc chiến” giành thị phần trên thị trường bảo hiểm ngày càng gay gắt hơn và vị trí của những doanh nghiệp (DN) dẫn đầu đã có những thay đổi đáng kể, khi một DN nội vươn lên vị trí số 1…

Doanh nghiệp nội bứt phá

Những năm qua, các “ông lớn” nước ngoài luôn thắng thế trên thị trường BHNT, nhưng đã có sự “soán ngôi” khi một đại diện Việt Nam vươn lên vị trí số 1. Nắm giữ khoảng 27% thị phần trong tốp 5 DN có doanh thu khai thác mới (bao gồm Bảo Việt Nhân thọ, Dai-ichi Life, Manulife, Prudential và AIA), Bảo Việt duy trì vị trí số 1.

Tính riêng doanh thu khai thác mới trong 6 tháng năm 2018, Bảo Việt đạt 2.420 tỷ đồng và tổng doanh thu là 9.920 tỷ đồng. Tiếp theo lần lượt là Dai-ichi với gần 16%, Manulife gần 13%, Prudential gần 13%, AIA gần 12% và Generali 5,28%...

Các chuyên gia ngành bảo hiểm cho rằng, với mức thu nhập được cải thiện đáng kể trong nhiều năm, cùng với nhu cầu bảo vệ kết hợp đầu tư ngày càng cao của người dân, thị trường BHNT được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo sức hút mạnh mẽ đối với không chỉ các DN nội mà cả các DN ngoại. 

Theo xu hướng hiện nay, các DN bảo hiểm ngoại đang chuyển hướng về các tỉnh, là những nơi có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đồng thời thiết lập sẵn cho cuộc đua đường dài. Ngoài việc mở rộng kênh phân phối, hai yếu tố quan trọng còn lại để cạnh tranh chính là nhân sự và sản phẩm.

Do đó, bên cạnh việc tận dụng các sản phẩm là thế mạnh, mỗi DN cần xây dựng những sản phẩm phù hợp với thị trường khai thác nhằm nâng cao tính cạnh tranh, trong khi các DN bảo hiểm nội vẫn chưa làm được.

Còn nhiều dư địa

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 8% dân số Việt Nam tham gia BHNT. Vì vậy, thời gian qua một trong những chiến lược cạnh tranh nhằm gia tăng thị phần được các DN nội và ngoại áp dụng là hợp tác với các ngân hàng. Đây đang là kênh giao dịch có sức bứt phá mạnh mẽ nhất hiện nay.

Bởi theo số liệu, chỉ tính riêng 6 tháng năm 2018, số lượng hợp đồng bảo hiểm được khai thác qua kênh giao dịch này là hơn 850 nghìn hợp đồng - tăng 89% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng số lượng hợp đồng khai thác mới qua kênh này tăng 180% so với cùng kỳ. Doanh thu phí khai thác mới trên toàn thị trường thông qua đây cũng chiếm tới gần 18%.

Các chuyên gia bảo hiểm nhận định, mảng BHNT đang còn nhiều dự địa, việc khai thác thông qua kênh ngân hàng hiện chỉ đạt 6% tổng doanh thu của toàn ngành, trong khi khai thác trên thế giới là 70%. Bởi vậy, sự tham gia hợp tác của các ngân hàng lớn với các DN bảo hiểm được dự báo sẽ vừa thúc đẩy, đồng thời tác động không nhỏ đến thị phần của thị trường bảo hiểm.

Hiện tại, nhiều DN bảo hiểm đã có các cuộc liên kết độc quyền với các ngân hàng, bước đầu mang lại hiệu quả từ việc thu phí dịch vụ cho ngân hàng và giúp DN bảo hiểm mở rộng thị phần. Cụ thể, Manulife hợp tác chặt chẽ với Techcombank; Prudential “bắt tay” với VIB, Maritime Bank; Dai-ichi với Sacombank, SHB; AIA với VPBank và DongABank…

Trong đó, Techcombank đang là ngân hàng có thị phần lớn nhất Việt Nam trong thu phí bảo hiểm là 25%. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đã nâng mục tiêu về tỷ lệ doanh thu từ phí bảo hiểm với kế hoạch đề ra như Manulife, Prudential hay AIA…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.