Đại biểu Quốc hội mong giá trần sách giáo khoa không quá cao

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội bàn thảo nhiều dự án Luật quan trọng, trong đó có Luật Giá (sửa đổi).

Học sinh tham dự triển lãm SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Học sinh tham dự triển lãm SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Theo đó, nội dung đưa sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước.

Định giá ở những tiêu chí cụ thể

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội), dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về Luật Giá (sửa đổi), trong đó có phụ lục danh mục đối với 40 mặt hàng hóa, dịch vụ sẽ được Nhà nước định giá; bổ sung mới mặt hàng SGK. “Tôi đồng tình với việc đưa SGK vào mặt hàng Nhà nước định giá” – đại biểu Thanh Mai nói.

Dưới góc độ quyền lợi của học sinh, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia độc lập - nhìn nhận: Thực tế, với cùng một nội dung do một tác giả viết nhưng nhà xuất bản khác nhau in ấn sẽ có giá khác nhau. Trong đó, phụ thuộc vào chất lượng giấy, thiết bị và bao gồm cả cách định giá khác nhau của mỗi nhà xuất bản.

“Tôi cũng mong có một mức giá trần không quá cao để ít nhất 70% gia đình học sinh có thể chấp nhận được. Việc này sẽ có giá trị rất lớn trong việc hướng dẫn trẻ thay đổi cách học từ bị động sang chủ động” – TS Hương nêu vấn đề.

“Do đó, tôi mong Nhà nước định giá SGK ở những tiêu chí cụ thể. Từ đó có thể đáp ứng được phần lớn điều kiện của hầu hết gia đình và tỷ lệ học sinh có nhiều bộ sách sẽ tăng lên” - TS Hương trao đổi, đồng thời cho rằng, cần có giá sàn, nếu không các nhà sản xuất SGK có thể hạ tiêu chuẩn thiết bị cũng như yêu cầu sản xuất; làm ảnh hưởng chất lượng của các bộ sách, chất lượng dạy học và cả việc học tập của học sinh. Theo đó, cần có cơ chế về điều kiện sản xuất và trang thiết bị, chất lượng viết SGK.

Nhìn nhận SGK mới có giá thành cao hơn sách cũ, tuy nhiên NGƯT Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) - viện dẫn, tại Triển lãm SGK của Bộ GD&ĐT gần đây cho thấy, 12 quyển SGK THPT của Việt Nam có giá 220.000 đồng, bình quân chỉ 18.000 đồng/1 quyển. Trong khi SGK của Singapore, Thái Lan, Indonesia... có chất lượng tương đương có giá lên tới 100.000 đồng - 150.000 đồng/1 quyển. Sách của Hàn Quốc, Nhật Bản cao hơn, lên tới gần 300.000 đồng/1 quyển...

“Là doanh nghiệp tham gia biên soạn SGK, chúng tôi sẵn sàng và chấp nhận pháp luật quy định. Tuy nhiên, đề nghị Bộ GD&ĐT, cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để luận giải đầy đủ, chi tiết đưa ra mức giá để người làm sách có thể chấp nhận được, làm được… Nếu không hợp lý thì việc xã hội hóa sẽ không tiến hành được” - NGƯT Ngô Trần Ái nêu quan điểm.

Một lớp học của Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Một lớp học của Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Bảo đảm hài hòa lợi ích và hướng đến học sinh

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Luật Giá, Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất kinh doanh, tài nguyên quan trọng, hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Như vậy, SGK không thuộc các mặt hàng trên. Khi ban hành Nghị quyết 88, Quốc hội chỉ có quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK, không quy định SGK là mặt hàng Nhà nước định giá.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, mấy năm qua có nhiều doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đã tham gia biên soạn, xuất bản SGK. Để hài hòa các yêu cầu, bà Thúy đề xuất hai phương án điều chỉnh việc định giá đối với SGK: Chỉ định giá với SGK do doanh nghiệp Nhà nước sản xuất. Thông thường, người ta chỉ có thể định giá tài sản thuộc sở hữu của mình, hoặc là mặt hàng do mình sản xuất ra.

Vì vậy, nếu định giá, Nhà nước chỉ có thể định giá đối với SGK của doanh nghiệp Nhà nước. Quy định như vậy cũng không lo SGK của doanh nghiệp tư nhân sẽ có giá cao hơn. Vì một mặt, SGK của các doanh nghiệp này vẫn thuộc diện kê khai giá, mặt khác, doanh nghiệp cũng phải tham chiếu giá SGK của doanh nghiệp Nhà nước để có tính cạnh tranh.

Ngoài ra, trong luật chỉ quy định các mặt hàng được định giá, trong đó có SGK. Giao cho Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, trong đó quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quy định giá tối thiểu để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh. Quy định này sẽ nhất quán với Điều 11 của Luật Giá hiện hành.

Tại Tọa đàm “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay: Theo quy định hiện hành, SGK là mặt hàng kê khai giá. Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra quan điểm của mình. Thời gian qua, chúng ta làm tốt công tác này. Qua các lần kê khai giá của nhà xuất bản so với lần công bố đầu tiên, các bộ sách đều giảm từ 3 - 9%.

Tuy nhiên, chúng ta thống nhất rằng, kê khai giá thì đều là thực hiện hình thức quản lý Nhà nước gián tiếp hoặc trực tiếp. Hiện nay, chúng ta có khoảng 17,5 triệu học sinh sử dụng trực tiếp mặt hàng đặc biệt này. Qua nghiên cứu, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chính phủ nghiên cứu đưa mặt hàng SGK do Nhà nước định giá.

Thứ trưởng nhắc lại, tại Kỳ họp thứ 3, khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 63, quy định SGK là mặt hàng thuộc Nhà nước định giá. Bộ Tài chính đã trình dự thảo dự án sửa đổi này. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản với mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặt vấn đề, làm sao có định giá nhưng không làm mất đi động lực của các nhà xuất bản trong biên soạn, phát hành SGK. Tới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ