Đại biểu Quốc hội ghi nhận giáo dục có nhiều đổi mới

GD&TĐ - Ngày 23/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ 2 với nhiều nội dung quan trọng như: Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín; Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn bằng bỏ phiếu kín. Ngoài ra, Quốc hội nghe một số báo cáo và tiến hành thảo luận ở tổ về một số nội dung liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội…

Đổi mới công tác dạy giúp phát huy tối đa năng lực người học
Đổi mới công tác dạy giúp phát huy tối đa năng lực người học

GD-ĐT có nhiều đổi mới

Theo đó tại phiên thảo luận tổ chiều 23/10, nhiều đại biểu ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đổi mới của GD-ĐT. Đại biểu Cao Đình Thưởng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nhận xét: Thời gian qua, giáo dục có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song điều mà Đại biểu Thưởng băn khoăn, trăn trở đó là: Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cùng với đó, việc tinh giản biên chế theo chỉ tiêu 10% cũng gây ra những bất cập cho ngành Giáo dục, trong đó đội ngũ giáo viên là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp.

Đại biểu Cao Đình Thưởng lo lắng: Nếu tình trạng thiếu giáo viên không được khắc phục thì học sinh học ở đâu và lấy ai là người dạy. Do đó đại biểu đề nghị, cần sớm có biện pháp khắc phục tình trạng này và bổ sung ngân sách cho giáo dục một cách phù hợp.

Thảo luận tại tổ 6 gồm các đoàn: Hải Phòng, Bình Định và Phú Thọ, đại biểu Nguyễn Hữu Đức – đến từ đoàn Bình Định nhận xét: GD-ĐT tiếp tục có những đổi mới và đạt được những kết quả nhất định. Thời gian qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực, chủ động tiếp thu những kinh nghiệm tiến bộ của thế giới để vận dụng vào Việt Nam. Nhờ đó chất lượng GD-ĐT đã có bước phát triển và từng bước hội nhập quốc tế.

Giáo dục miền núi tiếp tục được quan tâm

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2016 – 2018 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo do ông Đỗ Văn Chiến trình bày trước Quốc hội cho biết: Mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, trường phổ thông ở vùng DTTS và miền núi tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường PTDT bán trú, trường dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT được nâng lên.

Hiện nay 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non. Cả nước có 314 trường PTDTNT; 975 trường PTDT bán trú; 5 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. Đã có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập. Từ năm 2016 - 2018, đã tuyên dương trên 400 học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, tạo sức lan tỏa, động viên học sinh, sinh viên nỗ lực, phấn đấu vươn lên. 

Hiện nay, nước ta có 53 DTTS, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích của cả nước; là vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta; đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Học sinh trường PTDTNT, trường dự bị đại học được Nhà nước đảm bảo chi phí ăn, ở, học tập. Theo đó, học sinh trường PTDT bán trú được hỗ trợ gạo 9 tháng/năm. Học sinh tiểu học và THCS, học sinh THPT là người dân tộc thiểu số đáp ứng được các điều kiện thụ hưởng chính sách sẽ được hỗ trợ tiền ăn (mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh); được hỗ trợ tiền nhà ở; đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.