Đại biểu Quốc hội: Chính phủ cần phê bình các địa phương sai phạm thi cử

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã rất thẳng thắn trong việc nhận trách nhiệm và đưa ra những giải pháp cần thiết để chấn chỉnh công tác thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần phải phê bình đối với các địa phương có sai phạm, nhất là người có trách nhiệm tham gia chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương.

Đại biểu Quốc hội: Chính phủ cần phê bình các địa phương sai phạm thi cử

Địa phương làm không nghiêm thì cũng không thể có một kỳ thi trung thực

Thưa ông, những ngày qua vụ việc gian lận thi cử tại Hà Giang và Sơn La đã gây dư chấn lớn trong dư luận xã hội. Cá nhân ông đánh giá ra sao về mức độ nghiêm trọng của vụ việc này?

Tôi cho rằng các vụ việc gian lận vừa qua là rất nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của người dân không chỉ với ngành giáo dục, mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước nói chung, ảnh hưởng lớn đến những người làm giáo dục chân chính.

Nguyên nhân thì đã rõ, một số cá nhân đã vi phạm các quy chế của kỳ thi, thậm chí là vi phạm có tổ chức, có tính toán tinh vi. Cho dù có bất kỳ lý do nào đi nữa thì điều này cũng không thể chấp nhận được.

Bộ GDĐT đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đưa những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La ra ánh sáng, trả lại công bằng cho các em học sinh. Liệu điều đó có đủ để trả lại niềm tin cho xã hội?

Đúng là Bộ GDĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt; kiên quyết, kịp thời xử lý đã phần nào giúp người dân an tâm hơn.

Không chỉ ở Hà Giang, Sơn La, Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương khác rà soát, kiểm tra lại, và kết quả được công bố công khai cũng giúp cho người dân hiểu được tính toàn cục, đánh giá sự việc công bằng hơn.

Trong cuộc họp Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những sai phạm tại các địa phương. Ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như Bộ GDĐT và của các địa phương trong sự việc lần này?

Trong việc này, trách nhiệm một phần thuộc về Bộ GDĐT, không chỉ trong việc tổ chức thi, mà chính những người vi phạm cũng là cán bộ quản lý, viên chức của ngành giáo dục.

Tôi cho rằng, Bộ trưởng đã rất thẳng thắn trong việc nhận trách nhiệm và đưa ra những giải pháp cần thiết để chấn chỉnh công tác thi tốt nghiệp THPT sắp tới và vẫn đảm bảo tính ổn định.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần phải phê bình đối với các địa phương có sai phạm, nhất là người có trách nhiệm tham gia chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương. Nếu Bộ GDĐT có chặt chẽ đến đâu nhưng địa phương làm không nghiêm thì cũng không thể có một kỳ thi trung thực và công bằng.

Cũng tại cuộc họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã đưa ra những giải pháp để hoàn thiện kỳ thi trong những năm tiếp theo như hoàn thiện về đề thi, phần mềm chấm thi, công tác giám sát, thanh tra thi… Theo ông, những giải pháp đó đã căn cơ và đầy đủ chưa?

Để có một kỳ thi tốt nghiệp THPT đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, ngoài những giải pháp trên, tôi nghĩ Bộ cần quan tâm thêm một số vấn đề.

Chẳng hạn, việc ra đề thi cần nghiên cứu kỹ, đề thi có tính phân loại học sinh nhưng không nên đánh đố, làm sao để khi thi xong, các em và phụ huynh (nói rộng ra là cả xã hội) cảm thấy thoải mái, sức học của các em tới đâu thì các em đạt được mức điểm đó.

Việc ra đề thi quá dễ cũng không nên, nhưng quá khó thì gây tâm trạng ức chế trong các em một cách không cần thiết. Có thể trong nội dung thi, thì phần câu hỏi khó để phân loại xét thi đại học chỉ ở mức 20-30% (năm 2018 có môn trên 40%)

Công tác chấm thi cần cải tiến mạnh mẽ hơn, cần tổ chức chấm thi theo cụm, có sự tham gia của các trường đại học, như vậy sẽ có những giám sát chéo với nhau giữa các đơn vị tham gia.

Một giải pháp căn cơ là phải từ góc độ con người, những cá nhân tham gia vào quy trình tổ chức kỳ thi cần có thái độ nghiêm túc, ngay thẳng. Đây là sự tự ý thức của bản thân cán bộ, viên chức và sự giáo dục, nhắc nhở của cơ quan quản lý giáo dục, quản lý nhà nước.

Nên áp dụng công nghệ 4.0 để chống gian lận

Sau sự việc tại một số địa phương, nhiều luồng ý kiến cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu (xét tốt nghiệp THPT và làm dữ liệu cho xét tuyển ĐH, CĐ) như hiện nay không còn phù hợp. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với hai mục tiêu như trên là phù hợp. Rất nhiều trường đại học hiện nay vẫn dùng điểm thi này làm cơ sở để xét tuyển đại học.

Nếu tổ chức tốt, đảm bảo tính trung thực, khách quan thì đây vẫn là phương thức có nhiều ưu điểm hơn trong đánh giá tốt nghiệp và xét tuyển đại học, khắc phục được những yếu điểm của những hình thức tổ chức thi trước đây.

Dựa trên kết quả này, các trường đại học tùy yêu cầu đào tạo của mình có thể bổ sung thêm hình thức xét tuyển bổ sung khác thì vẫn hiệu quả hơn tự tổ chức thi riêng từng trường.

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được giữ ổn định đến năm 2020, có nghĩa là giai đoạn sau đó kỳ thi có thể sẽ có những thay đổi so với hiện nay. Ông có gợi mở gì về hình thức tổ chức kỳ thi sau năm 2020?

Tôi cho rằng không nên thay đổi quá nhiều về kỳ thi THPT quốc gia, vì sẽ khiến cho các em học sinh, phụ huynh và cả các thầy cô giáo sẽ rất mệt mỏi khi phải thay đổi để thích ứng với những quy định mới.

Nếu có thể, nên ứng dụng những kết quả của khoa học công nghệ, công nghệ 4.0 vào các khâu của quá trình của kỳ thi để đảm bảo sự can thiệp ít nhất của con người, nhằm hạn chế những tiêu cực khó lường phát sinh.

Khuyến khích nhiều trường đại học có phương án tổ chức tuyển sinh riêng cho trường mình. Tuyển sinh theo nhóm, theo khu vực….

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ