Đại biểu Quốc hội: Cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu

GD&TĐ - Cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 1/6.

Luật hóa quy định về xử lý nợ xấu

Góp ý về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Cầm Thị Mẫn đồng tình và đánh giá cao những nỗ lực, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Ngân hàng Nhà nước và sự phối kết hợp vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 42.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn khẳng định, Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng VAMC mang lại chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 ban hành có hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, một số quy định tại Nghị quyết 42 đã được các tổ chức tín dụng VAMC áp dụng có hiệu quả trên thực tế, điều đặc biệt quan trọng với ngành ngân hàng, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan từ khi Nghị quyết có hiệu lực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng chỉ rõ, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, theo đó đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay.

Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực thi hành, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn kéo dài thực hiện Nghị quyết cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra, đề xuất luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh
Đại biểu Trần Anh Tuấn  - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù trong bối cảnh khó khăn do tác động mạnh bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước, kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc, tích cực. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, cấu trúc kinh tế còn nhiều bất cập.

Đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, nguồn lực nhà nước hỗ trợ phát triển cần tập trung hơn cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; huy động tối đa nguồn lực xã hội cho hoạt động đầu tư phát triển, nâng cao năng suất lao động cho nền kinh tế; chính sách ổn định giá cả trong thời gian tới cũng cần được thiết kế theo hướng giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế. Đặc biệt là thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, kể cả một số mặt hàng tiêu dùng mà nguồn cung trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần tập trung xây dựng những giải pháp ổn định giá cả từ khâu đầu vào sản xuất, lưu thông; ổn định lãi suất trong chính sách tiền tệ, giảm tối đa các hoạt động làm phát sinh chi phí trung gian trong nền kinh tế; ổn định sản xuất, khuyến khích tiêu dùng, ổn định đời sống cho người lao động.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Trang bị kiến thức cần thiết cho người dân về chứng khoán

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua thị trường chứng khoán, thị trường vốn có sự phát triển nhất định, tuy nhiên đã xuất hiện một số vụ việc, biểu hiện không lành mạnh trong thị trường chứng khoán, trái phiếu, như thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi… làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.

Đại biểu đề nghị, Chính phủ tiếp tục giải quyết triệt để các vấn đề này. Cụ thể, các Bộ, ngành cần rà soát các quy định của pháp luật về chứng khoán và phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định liên quan.

Đại biểu cho rằng, cần có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia thị trường, hạn chế tối đa các hành vi trục lợi.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về các lĩnh vực chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai minh bạch thông tin cho người dân; trang bị kiến thức cần thiết cho người dân về lĩnh vực này.

Bên cạnh các vấn đề về kinh tế, đại biểu trăn trở: hiện tại chúng ta vẫn còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi, vẫn còn rất nhiều gia đình, thân nhân liệt sĩ thì vẫn còn đang miệt mài trên hành trình tìm kiếm người thân.

Hiện nay, nhiều hồ sơ tồn đọng về giải quyết chế độ chính sách đối với liệt sĩ, kể cả hồ sơ về công nhận liệt sĩ vẫn còn tồn. Mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành trong đó Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thời gian qua đã đầy mạnh các hoạt động này, nhưng đây là những trường hợp rất khó, cần có sự tập trung đầu tư rất lớn.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, trong đó cần hợp tác quốc tế ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối thông tin, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ.

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, chúng ta sẽ đưa những liệt sĩ còn nằm ở trên mọi miền đất nước về với gia đình, với quê hương của họ một cách sớm nhất và giải quyết dứt điểm những cái trường hợp mà tồn đọng trong giải quyết chế độ chính sách đối với sĩ và người có công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.