Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng: Chủ trương, nghị quyết của Trung ương về tiếp tục cải cách hành chính, tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế là hết sức đúng.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là khâu thông tin và truyền thông có phần thực hiện chưa được chặt chẽ, chưa được đầy đủ và dẫn đến có những việc hiểu lầm.
Khi nêu vào những vấn đề về sự cần thiết phải tinh giản bộ máy, biên chế thì chúng ta nói không đầy đủ làm cho người dân đang nhận thức bộ máy chúng ta là một gánh nặng trong ngân sách.
Về tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế, Nghị quyết Trung ương nói rất rõ là cần thiết nhưng cũng đã có chỉ đạo cụ thể là phải tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp, cái gì rõ thì làm ngay, cái gì chưa rõ thì thí điểm, cái gì còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu.
Tuy nhiên, khi thực hiện có phần lúng túng, nhận thức chưa đầy đủ, mục tiêu Nghị quyết Trung ương đặt ra là tinh giản tổ chức bộ máy biên chế nhưng đảm bảo hiệu lực hiệu quả của bộ máy.
“Tôi thấy dường chủ yếu như đang chạy theo tinh giản biên chế, ai làm được nhiều tinh giản, sáp nhập thì coi đó là thành tích. Việc này đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo chặt chẽ vì đã có nhiều bài học, thậm chí là trả giá về việc sáp nhập”- Đại biểu Bùi Văn Phương nêu vấn đề.
Đại biểu Bùi Văn Phương phân tích: Đơn cử trường tiểu học và trung học cơ sở đề nghị nhập với nhau để giải quyết giảm bớt một người lãnh đạo quản lý, giảm bớt một kế toán và sử dụng chung mấy giáo viên dậy môn năng khiếu. Nhưng chúng ta có nghĩ sau khi nhập lại thì hiệu lực hiệu quả hoạt động thế nào?
“Hai cấp học hoạt động dạy và học khác nhau. Chúng ta có cách để giảm vị trí kế toán, sử dụng chung giáo viên dạy môn năng khiếu mà không cần thiết phải sáp nhập 2 trường” - Đại biểu Bùi Văn Phương đặt vấn đề.
Đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị Chính phủ phải quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, chúng ta làm đúng, thận trọng theo tinh thần nghị quyết Trung ương, không làm vội vàng.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện, cần tuân thủ đúng về phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý chỉ đạo điều hành của Nhà nước. Đó là: Trung ương ra nghị quyết và việc thực hiện nó bằng việc thể chế hóa dưới góc độ pháp luật và các văn bản quy phạm, đảm bảo thực hiện thống nhất, chặt chẽ, thận trọng.
“Gần đây, tôi thấy có một số địa phương đã làm, đã nhập sở nọ, nhập sở kia và một số nơi đã tổ chức một loạt sáp nhập, nhưng chúng ta nhập dựa trên văn bản quy phạm nào? Về mặt Nhà nước thì chưa có, Chính phủ chưa có hướng dẫn về mặt quy phạm mà bên dưới đã tổ chức thực hiện.
Đây là việc lớn, chúng ta làm phải rất thận trọng như nghị quyết của Trung ương đã đặt ra. Tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm để quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng tinh thần của pháp luật” - Đại biểu Bùi Văn Phương nêu ý kiến.