Dù đã ký cam kết được triệt sản, nhưng sau 3 năm sản phụ 34 tuổi ở Sài Gòn này ngỡ ngàng phát hiện mình lại mang thai tiếp. Tỏ ra rất bức xúc trước sự việc, sản phụ muốn khiếu kiện bệnh viện đã quên triệt sản.
Đã từng triệt sản nhưng vẫn “dính” thai
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM chia sẻ ca mang thai đặc biệt: Sản phụ mới 34 tuổi nhưng đã trải qua 3 lần sinh mổ vào các năm 2012, 2014, 2016 với cân nặng con từ 3500 gram đến 3800 gram.
Đặc biệt, trong lần mổ sinh sau cùng năm 2016, bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện tỉnh nơi người phụ nữ mổ đẻ đã triệt sản cho sản phụ.
Khi mang thai bé thứ 4, sản phụ tìm đến bác sĩ xin tư vấn. Lúc này bác sĩ Trung bán tín bán nghi có thể sản phụ chưa triệt sản.
Tuy nhiên, sản phụ khẳng định đã làm đơn triệt sản và giấy ra viện cũng ghi rằng đã triệt sản, tuy nhiên sản phụ đã làm mất hồ sơ lúc ra viện. Sản phụ này nghiêng về khả năng bác sĩ quên không triệt sản cho mình và sẵn sàng tìm hồ sơ để khiếu nại bệnh viện.
Sau khi nói chuyện, bác sĩ Trung tư vấn với sản phụ rằng cứ sinh em bé ra và bác sĩ sẽ chụp hình xem hai ống dẫn trứng. Nếu có triệt sản thì hai ống dẫn trứng sẽ có sẹo còn nếu không có sẹo thì xem như đứa con là trời cho.
Sáng 26/9, khi thai đủ 38 tuần, bác sĩ Trung và đồng nghiệp mổ cho thai phụ. Hình ảnh hai ống dẫn trứng có sẹo triệt sản rõ ràng. Như vậy đã minh oan cho một đồng nghiệp của tỉnh bạn. Thật sự, các bác sĩ ở tỉnh đã triệt sản cho sản phụ mà không phải là quên.
Vì sao triệt sản vẫn có thai?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung cho biết bất kỳ một phương pháp tránh thai nào cũng có một tỷ lệ thất bại nhất định. Y học đưa ra một chỉ số gọi là chỉ số Pearl (Pearl Index) được tính là số trường hợp có thai ngoài ý muốn trên 100 phụ nữ (dù có sử dụng phương pháp tránh thai đó) trong 1 năm.
Chỉ số Pearl của phương pháp triệt sản nữ (thắt ống dẫn trứng) là 0,04. Điều này có nghĩa rằng y văn đã xác định rằng trong 10.000 phụ nữ đã được triệt sản thì có 4 phụ nữ sẽ có mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm.
Theo bác sĩ Trung, phụ nữ khi đã triệt sản, dù biết rằng khả năng có thai lại rất thấp nhưng không được chủ quan. Nếu thấy trễ kinh khoảng 2 tuần, chạy ra mua que thử thai, tự thử mất 10 phút là biết kết quả ngay.
Em bé là con thứ 4 của sản phụ.
Triệt sản nữ là thủ thuật cắt một đoạn ở hai ống dẫn trứng. Về nguyên tắc, sau thủ thuật triệt sản, người phụ nữ sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thai được nữa, trừ trường hợp phải can thiệp nối ống dẫn trứng hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.
Người đã triệt sản mà muốn có con trở lại sẽ rất khó bởi việc nối lại hay tái thông tai vòi của buồng trứng không hề đơn giản.
Với phụ nữ trẻ dưới 30 tuổi thì tỷ lệ thành công có thể đến 80% nhưng sẽ giảm dần và còn khoảng 30% khi phụ nữ tuổi trên 40. Tỷ lệ tái thông thành công còn phụ thuộc vào phương pháp triệt sản trước đó là cắt hay thắt...
Trước tâm trạng lo lắng của sản phụ về việc mổ sinh lần 4 có nguy hiểm hay không, bác sĩ Trung giải đáp, phụ nữ mang thai nhiều lần mà trước đó mổ đẻ nhiều thì thai kỳ sẽ phải chăm sóc rất vất vả, nguy cơ vỡ tử cung cao do sẹo mổ trên cơ tử cung mỏng và mổ lần thứ 4 cũng nhiều tai biến hơn lần trước.
Chính vì vậy, thai phụ cần được theo dõi thai kỳ sát sao để tránh xảy ra những nguy cơ đáng tiếc.