Đã tìm ra người xâm hại di tích chùa Quan Thánh

GD&TĐ - Giải trình với cơ quan chức năng, UBND phường An Hưng cho biết người trông coi ngôi đền đã thuê thợ về sơn.

Nhiều tấm bia, chữ ở chùa Quan Thánh bị tô, vẽ.
Nhiều tấm bia, chữ ở chùa Quan Thánh bị tô, vẽ.

UBND phường An Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa có giải trình về vụ việc chùa Quan Thánh thuộc Khu di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia núi An Hoạch bị xâm hại.

Theo giải trình, tại chùa Quan Thánh có tổng 14 tấm bia mà nhai. Trong đó có 9 tấm bia đã sơn trước năm 2013, đến năm 2019, các tấm bia này và 4 tấm bia còn lại tiếp tục bị sơn, chỉ còn duy nhất một tấm bia không bị sơn, vẽ.

Ngoài ra, các bức tượng phù điêu và chữ thần cũng bị sơn, vẽ từ trước năm 2013, sơn lại vào năm 2019.

UBND phường An Hưng cũng cho biết, người trực tiếp chỉ đạo tô vẽ lên các tấm bia ở di tích chùa Quan Thánh là bà Lê Thị Thịnh - người trông coi ngôi đền.

Giải thích nguyên nhân thuê người đến tô, vẽ bà Thịnh cho biết, thời gian trông coi chùa Quan Thánh, thấy các tấm bia, linh vật bị mốc đen nên đã thuê thợ về sơn vẽ lại với số tiền 8 triệu đồng. Toàn bộ chi phí đều do bà Thịnh tự bỏ ra.

Bà Thịnh cũng cho biết, đối với tấm bia mà nhai bị khoan, đóng đinh sắt, là do bà muốn gia cố phần mái che vào khoảng tháng 7/2021, bà thuê thợ dựng thêm một cột bằng kim loại rồi khoan lỗ trên bia mà nhai. Trong quá trình thuê thợ về tu bổ di tích, bà Thịnh đã không xin phép, báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Ngoài việc tự ý tô, vẽ lên các hạng mục nói trên, thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện diện tích của Khu di tích núi An Hoạch đang bị 8 hộ dân lấn chiếm để sản xuất kinh doanh.

Hiện UBND phường An Hưng cũng đã làm rõ các cá nhân, tập thể, người quản lý để xảy ra sai phạm, báo cáo UBND TP Thanh Hóa chỉ đạo xử lý.

Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, dư luận không khỏi băn khoăn khi nhiều hình tượng người, linh vật, các bài thơ, văn ở đền Quan Thánh (TP Thanh Hoá) đã bị ai đó sơn mới, mất yếu tố gốc.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa) cho biết việc tô vẽ lại các bài thơ, văn trên bia đã là vi phạm rất nghiêm trọng, không những làm thay đổi yếu tố gốc mà khiến cho việc dịch thuật ra chữ Quốc ngữ cũng khó khăn, dẫn tới méo mó không đúng với các bài thơ, văn gốc vốn có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ