Huyện Đắk Tô – Kon Tum: Di tích quốc gia đặc biệt bị xâm hại

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đắk Tô – Tân Cảnh nhiều năm qua trở thành nơi trồng cây, hoa màu của một số người dân. Mặc dù biết nhưng tình trạng này vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để.

Biển chỉ dẫn đến khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh.
Biển chỉ dẫn đến khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh.

Di tích bị xâm hại

Theo tìm hiểu, thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ, huyện Đắk Tô có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ cửa ngõ phía Bắc của Tây Nguyên. Do đó, nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh quyết liệt. Trong đó có 3 chiến dịch lớn. Đó là chiến dịch Đắk Tô I năm 1967. Chiến dịch Đắk Tô II năm 1969. Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên.

Từ những trận chiến khốc liệt đó, năm 2017 khu Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (huyện Đắk Tô) được công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Khu di tích này có tổng diện tích 90ha, bao gồm 3 hạng mục. Cụ thể, căn cứ E42, sân bay Phượng Hoàng và sân bay L19.

Tuy nhiên, nhiều năm qua khu di tích lịch sử này đã bị người dân xâm hại nghiêm trọng. Mặc dù cơ quan chức năng đã cắm các biển báo cấm, nhưng người dân vẫn trồng hoa màu, cây trồng tại khu vực này.

Khu vực sân bay L19, tiếp giáp với khu vực nghĩa trang huyện, nhiều ngôi mộ nằm chồng lấn lên đất sân bay.
Khu vực sân bay L19, tiếp giáp với khu vực nghĩa trang huyện, nhiều ngôi mộ nằm chồng lấn lên đất sân bay.

Theo ghi nhận, tại khu vực căn cứ E42 bị người dân xâm lấn để canh tác sắn (củ mì) và hoa màu. Mặc dù, cơ quan chức năng đã cắm biển cấm xâm phạm để khoanh vùng, bảo vệ. Tuy nhiên, những rẫy sắn, hoa màu vẫn mọc ngay dưới biển cấm. Bên cạnh đó, tại khu vực sân bay L19, tiếp giáp với khu vực nghĩa trang huyện, nhiều ngôi mộ nằm chồng lấn lên đất sân bay. Quanh khu vực di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này không có rào chắn để khoanh vùng, bảo vệ.

Theo ông Phan Văn Tuân, Chánh văn phòng UBND huyện Đắk Tô, khu Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trực thuộc quản lý Nhà nước của Sở VH,TT&DL Kon Tum. Riêng sân bay L19 là đất của quốc phòng do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quản lý và đang làm thủ tục bàn giao cho huyện quản lý. Tuy nhiên, hiện tại đang làm thủ tục, địa phương vẫn chưa nhận bàn giao thực địa.

Cũng theo ông Tuân, Sở chỉ huy mới tạm bàn giao Nhà trưng bày của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh cho đơn vị quản lý. Sau đó, đơn vị giao cho Trung tâm VH,TT&DL và trung tâm huyện quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ. Còn về vùng lõi, đơn vị đã chỉ đạo thị trấn Đắk Tô kiểm tra, xử lý những trường hợp trồng cây, lấn chiếm trên vị trí đất của khu di tích.

Khó khăn trong công tác bảo vệ

Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa… đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt.

Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 4 di tích cấp quốc gia và 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 18 di tích đã và đang được đầu tư phục dựng, tu bổ và tôn tạo. Còn lại, các di tích chỉ mới xây dựng được bia di tích, biển chỉ dẫn.

Từ năm 2015, các di tích cấp tỉnh được bàn giao về cho huyện quản lý. Sau đó, các huyện bàn giao về cho cơ quan chức năng liên quan, cùng chính quyền xã nơi có di tích quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị.

Mặc dù có biển cấm xâm phạm nhưng người dân vẫn trồng hoa màu.
Mặc dù có biển cấm xâm phạm nhưng người dân vẫn trồng hoa màu.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên công tác duy tu, tôn tạo, cắm mốc bảo vệ di tích còn hạn chế. Hiện nay, hầu hết các di tích trên địa bàn chưa được cắm mốc bảo vệ theo quy định. Một số di tích nằm trên phần đất quốc phòng nên công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo, tu sửa gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ, vừa rất dễ bị xâm phạm.

Để bảo vệ di tích lịch sử trước việc bị xâm hại, Sở VH,TT&DL cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, xây dựng kế hoạch bảo tồn, tu bổ, nâng cấp và phát huy giá trị các di tích thuộc thẩm quyền quản lý. Bên cạnh đó có phương án bảo vệ tốt các hạng mục đã đầu tư tại các di tích. Đồng thời, bố trí kinh phí thực hiện trùng tu, tôn tạo, tu bổ và phục hồi các di tích trên địa bàn.

Không những vậy, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Ngoài ra, hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử của các di tích. Qua đó, nêu cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử của các di tích trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ