Công an TP Đà Nẵng và Trường Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Đà Nẵng) vừa ký văn bản ghi nhớ về việc đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ công an trong vòng 10 năm với ba thứ tiếng là Anh, Trung và Hàn.
Những năm gần đây, người nước ngoài nhập cảnh vào Đà Nẵng ngày càng tăng, chủ yếu với mục đích du lịch. Năm 2019, người nước ngoài đến Đà Nẵng 3,6 triệu lượt tăng 987 ngàn lượt so với năm 2018. Trong đó, người Hàn Quốc 1,8 triệu lượt chiếm tỉ lệ 50%, Trung Quốc 677 ngàn lượt chiếm 19%, còn lại các quốc tịch khác.
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm pháp luật Việt Nam của người nước ngoài cũng có chiều hướng ngày càng gia tăng, thậm chí là hoạt động phạm tội tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng, phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi.
Trong năm 2019, Công an TP Đà Nẵng phát hiện gần 700 người nước ngoài vi phạm pháp luật, tổng số tiền xử phạt hơn 7,2 tỉ đồng.
Cụ thể, lực lượng chức năng Đà Nẵng đã phát hiện 245 người Trung Quốc nhập cảnh bằng thị thực du lịch, nhưng tổ chức thuê nhà nguyên căn, mua sắm thiết bị để mở các trang quảng cáo bán hàng, mời chào mua cổ phiếu… mà chưa được cấp phép. Thậm chí nhiều nhóm người tổ chức, lôi kéo đánh bạc qua mạng.
Đà Nẵng cũng ghi nhận tình trạng người nước ngoài đến ăn xin, truyền đạo trái phép, trốn truy nã, câu kết với người Việt Nam hợp thức hóa lập công ty để kinh doanh nhưng tìm cách hoạt động trốn thuế…
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an TP Đà Nẵng có trình độ và năng lực giao tiếp thành thạo ngoại ngữ còn hạn chế.
Hiện chỉ có 38 cán bộ được đào tạo cơ bản ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, còn lại là tiếng Pháp, Nga, Trung… nhiều cán bộ khác cũng có chứng chỉ đào tạo, nhưng do đã học khá lâu, ít sử dụng nên năng lực giao tiếp không đáp ứng được yêu cầu công tác.
Trước tình hình đó, Công an TP Đà Nẵng có nhu cầu đào tạo bồi dưỡng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Thái... cho khoảng 1.400 cán bộ ở các lực lượng trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài, tập trung ưu tiên trước mắt đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn.
Theo đó, thời gian thực hiện từ năm 2020-2030, được chia 2 giai đoạn đào tạo cho 1.440 cán bộ, chiến sĩ với 2.520 lượt đào tạo. Trước mắt, năm 2020-2024 sẽ có 48 lớp, năm 2025-2030 có 36 lớp được tổ chức. Tổng số kinh phí cho hoạt động này là hơn 14 tỉ đồng.
Đối tượng áp dụng là các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài như CSGT, xuất nhập cảnh, quản lý hành chính, cán bộ điều tra, cảnh sát khu vực, an ninh quận, huyện… được đào tạo.
Trong đó, năm 2020 sẽ có 10 lớp đào tạo tiếng Trung, Hàn; hai lớp tiếng Anh được tổ chức, mỗi lớp sẽ có 30 học viên. Các lớp sẽ được sắp xếp cho phù hợp với thời gian làm việc của từng cán bộ, chiến sĩ được cử đi học.
Mục tiêu đào tạo là đến năm 2021 có 50% và năm 2024 có 100% cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ.