Đà Nẵng ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục

GD&TĐ - Lãnh đạo HĐND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, xác định quan điểm rõ rằng, phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục, trước hết là đầu tư cơ sở vật chất trường lớp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trường, lớp “quá tải”

Nêu ý kiến thảo luận tại kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng lần thứ 10 khóa X, đại biểu Lê Văn Nghĩa cho hay, nhiều năm qua, lãnh đạo TP. Đà Nẵng và ngành giáo dục TP đã đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về xây dựng trường lớp.

“Trên địa bàn thành phố đã và đang đầu tư triển khai đề án xây dựng nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025, đến nay tiến độ triển khai được 2/5 thời gian thực hiện đề án. Nhưng hầu hết các công trình đều ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Số công trình hoàn thành ước đạt 350 tỷ đồng, tương đương 8% giá trị đề án được phê duyệt. Được biết hiện đang triển khai gặp nhiều khó khăn như: nguồn vốn, quỹ đất, một số trường đã xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư sửa chữa, không đạt được mục tiêu ban đầu đề án và phát triển trường mới để giảm tải cho các cơ sở giáo dục”, ông Nghĩa thông tin.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho hay, tỉ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn còn thấp so với yêu cầu. Việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 gặp nhiều khó khăn, nhất là sĩ số lớp vượt quy định.

Trang thiết bị dạy học tại Trường Tiểu học An Phước (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Trang thiết bị dạy học tại Trường Tiểu học An Phước (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

“Như ở Liên Chiểu, sĩ số lớp ở bậc tiểu học quy định 35 học sinh/lớp, nhưng hiện có một trường có lớp đến 46 học sinh/lớp, như Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, Võ Thị Sáu… còn ở bậc THCS quy định 45 học sinh/lớp, nhưng có một số trường 52 học sinh/lớp, thiếu học phòng học để phục vụ việc dạy 2 buổi/ngày”, ông Nghĩa dẫn chứng.

Đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng cũng cho hay, ngày 15/7 vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định điều chỉnh bổ sung kế hoạch công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025 là 1.141 tỷ đồng, trong đó chi xây lắp 1.126 tỷ đồng, đền bù giải tỏa 15 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn bố trí mới chỉ đạt 25,6% so với đề án được duyệt và 15% so với đề xuất bổ sung của ngành giáo dục và đào tạo và UBND các quận, huyện.

Theo đại biểu Lê Văn Nghĩa, năm học tới, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ thực hiện đến lớp 4 ở bậc tiểu học. Nếu việc xây dựng trường không bảo đảm đúng tiến độ thì không đủ phòng học để triển khai học 2 buổi/ngày, thậm chí là học 9 buổi/tuần cho tất cả các khối lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Ông Nghĩa cũng đặt ra vấn đề chậm trang bị đồ dùng dạy học ở tất cả các cấp học, việc quy hoạch đầu tư giữa các bậc học, giữa các địa phương… gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố.

Còn đại biểu Hoàng Thị Thu Hương - Tổ đại biểu quận (TP. Hải Châu) cho rằng, vấn đề sức khoẻ học đường cần được quan tâm để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho trẻ em. Trong đó, bao gồm dinh dưỡng và bữa ăn học đường; nước sạch và vệ sinh trường học; bệnh học đường, giáo dục thể chất và thể thao trường học.

Đại biểu Thu Hương cũng đề nghị thành phố tăng cường chỉ đạo các quận, huyện giao Phòng GD&ĐT tăng cường kiểm tra, theo dõi và đề ra giải pháp tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa không để xảy ra tình trạng học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường.

Các cơ sở giáo dục tăng số lượng camera giám sát trong trường học, đặc biệt ở các trường chuyên biệt và trường mầm non. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, nhóm trẻ độc lập trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Tăng cường giải pháp xây dựng trường học an toàn, thân thiện

Trả lời các ý kiến của đại biểu, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, ngành Giáo dục và đào tạo tham mưu UBND thành phố, phối hợp các quận, huyện quan tâm triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố.

Hằng năm, ngành Giáo dục và đào tạo phối hợp các cơ sở y tế thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát vấn đề vệ sinh tại các nhà ăn, bếp ăn, nhà vệ sinh. Các cơ sở giáo dục phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra thực phẩm đầu vào, bữa ăn hằng ngày tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú để bảo đảm an toàn cho bữa ăn học sinh.

Buổi sinh hoạt tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường ở Trường THPT Nguyễn Văn Thoại.

Buổi sinh hoạt tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường ở Trường THPT Nguyễn Văn Thoại.

Vị đại diện ngành GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho rằng, phòng chống bạo lực học đường được xem là công tác trọng tâm của ngành Giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục và các ngành liên quan tích cực phối hợp các địa phương xây dựng trường học lành mạnh, thân thiện, tích cực.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều mô hình về xây dựng trường học thân thiện, hạnh phúc và chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong trường học để hạn chế bạo lực.

Ngoài ra, nhà trường và gia đình tích cực trong việc quan tâm, chia sẻ, tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Ngành GD&ĐT cũng phối hợp với UBND quận huyện trong việc chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra xử lý các vấn đề liên quan đến công tác bạo lực học đường từ đó có những giải pháp.

“Khi có sự cố về bạo lực học đường, ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình và địa phương để giải quyết hiệu quả”, bà Thuận nhấn mạnh.

Trường Tiểu học An Phước (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Trường Tiểu học An Phước (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Kết luận tại buổi thảo luận, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, nguồn lực của thành phố hiện cũng chưa thực sự “dồi dào”, nhưng nhu cầu của các địa phương lại rất lớn. Tuy nhiên phải xác định quan điểm rõ rằng, phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục, trước hết là đầu tư cơ sở vật chất trường lớp.

“Đề án từ năm 2020-2025 dự kiến là 8.000 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ mới bố trí khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Các dự án triển khai trong đề án này cần phải nghiên cứu mức độ đầu tư để ưu tiên giải quyết những điểm trường xuống cấp, ưu tiên đầu tư hệ thống cơ sở trường lớp để giải quyết vấn đề dư luận quan tâm”, ông Triết yêu cầu.

Đối với việc xây dựng chính sách dinh dưỡng hợp lý nâng cao thể lực, thể chất cho học sinh trên địa bàn thành phố. Nhiều phụ huynh đã có ý kiến quan tâm vấn đề này. Đà Nẵng đã làm chương trình sữa học đường và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng hiện do một số quy định của pháp luật chưa thực sự cụ thể trong giai đoạn mới, nên chưa thể ban hành tại kỳ họp.

Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP lưu ý để kỳ họp HĐND sắp đến sớm trình Đề án "Sữa học đường" cho HĐND TP xem xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ