Đà Nẵng: Từ lớp học đến trường học thông minh

GD&TĐ -UBND Đà Nẵng vừa ban hành khung “Kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng”. Theo đó, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, có 50% số trường học là trường thông minh (smart school), trong giai đoạn 2017 – 2020 sẽ triển khai ít nhất mỗi trường học có một lớp học thông minh dùng chung để làm mô hình thí điểm. Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã trao đổi với PV GD&TĐ xung quanh nội dung này.

Đà Nẵng: Từ lớp học đến trường học thông minh

Thưa ông, hiện trạng ứng dụng CNTT trong ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng thời gian qua được đánh giá như thế nào?

Trong những năm qua, ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã cơ bản được đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT như máy vi tính phục vụ quản lý và dạy học; đường truyền Internet băng thông rộng, đường truyền internet tốc độ cao; phòng Công nghệ thông tin, phòng học có trang bị các thiết bị CNTT hỗ trợ; các phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý và dạy học. Ngành cũng có nhiều nỗ lực trong tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ CNTT trong tất cả các ngành học, bậc học.

Nhờ hỗ trợ của CNTT, HS và GV tiếp cận được với bài giảng điện tử, tài liệu điện tử, thông tin giáo dục nhanh chóng hơn, tối ưu hiệu quả dạy và học.

Ứng dụng CNTT trong dạy học được nâng cao về số lượng và chất lượng, bài dự thi E-Learning được nâng cao về chất lượng qua các năm, kể cả sản phẩm dự thi ứng dụng CNTT của HS. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ Sở tới các phòng GD&ĐT quận huyện, tới các trường được đảm bảo thông suốt và kịp thời, nâng cao hiệu quả quản lý của ngành.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì hệ thống ứng dụng hiện tại của ngành GD&ĐT Đà Nẵng còn những hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất đó là sự phân tán của dữ liệu trên toàn ngành, cùng một HS hay GV mà thông tin được lưu trữ trên nhiều ứng dụng riêng lẻ, dẫn đến tốn công sức thu thập, tạo lập, cập nhật dữ liệu, rồi dữ liệu thu được không thống nhất về chuẩn cũng như thông tin giữa các ứng dụng, gây khó khăn cho công tác tổng hợp báo cáo, dữ liệu tổng hợp thiếu đồng nhất, không có tính kế thừa.

Để khắc phục hạn chế, Sở GDĐT cùng Sở TTTT đã tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng Ban hành “Kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng”

Sở GD&ĐT đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT TP Đà Nẵng, gọi là Adapter, thí điểm tích hợp dữ liệu Học sinh và giáo viên năm học 2016-2017 của 147 trường trên địa bàn thành phố từ các ứng dụng quản lý trường học trên địa bàn.

Dự kiến, trong năm học 2017-2018 sẽ triển khai chính thức trên toàn thành phố. Ngoài ra còn các dự án khác đang được thí điểm như: hệ thống tuyển sinh trực tuyến đầu cấp của Viettel triển khai tại quận Liên Chiểu, thư viện điện tử của Cty Netplus triển khai tại quận Hải Châu đang được tiếp tục nghiên cứu nhân rộng cho các quận huyện còn lại.

Xin ông cho biết mục tiêu của kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng hướng đến là gì?

Trên thế giới, phát triển ứng dụng CNTT trong lĩnh vực GD&ĐT theo xu hướng điện toán đám mây. Nghĩa là người học có thể tiếp cận với bài giảng, tài liệu điện tử, được đào tạo mọi lúc mọi nơi thông qua các thiết bị điện tử như máy vi tính, thiết bị di động có kết nối Internet. Ứng dụng các thiết bị dạy học thông minh vào lớp học, trường học để hỗ trợ việc dạy học, tương tác, nâng cao hiệu quả dạy và học.

Theo Kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT TP. Đà Nẵng được UBND thành phố ban hành ngày 13/02/2017, có 7 mục tiêu cụ thể, trong đó mục tiêu đầu tiên về xây dựng Nền tảng (platform) dịch vụ GD&ĐT, trong đó có Adapter, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng phát triển toàn bộ hệ thống ứng dụng về sau cho ngành Giáo dục.

Nền tảng này là môi trường tích hợp các ứng dụng dùng chung của ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, tạo môi trường tương tác, trao đổi thông tin hiệu quả giữa các tác nhân tham gia vào hệ thống giáo dục, bao gồm nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh, cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục.

Ngoài ra, khung kiến trúc CNTT ngành GD&ĐT còn hướng tới mục tiêu sẽ cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến thuộc thuộc lĩnh vực GD&ĐT ở mức độ 3 trở lên với các hồ sơ gửi qua mạng đều được ký số; xây dựng cơ sở dữ liệu học bạ điện tử được ký số; xây dựng hệ thống học tập điện tử e-Learning bao gồm kho bài giảng điện tử và các công cụ dạy học được chia sẻ sử dụng chung bởi tất cả các cơ sở đào tạo; triển khai rộng rãi các ứng dụng di động phục vụ giáo dục. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, có 50% số trường học là trường thông minh (smart school)

Giáo viên và người học sẽ được hưởng lợi gì từ mô hình Lớp học thông minh, thưa ông?

Chúng ta đã bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của những giải pháp thông minh. Những thiết bị và giải pháp thông minh ngày nay đã góp phần cho chúng ta một cuộc sống tiện nghi và đầy đủ hơn.

Khi mà có một số nghề nghiệp, phương thức làm việc cũ đang dần bị thay đổi thì nền giáo dục cho thế hệ trẻ cũng cần được thay đổi. Nền giáo dục vì vậy cần cung cấp được những kiến thức và kỹ năng dạy-học hoàn toàn khác để người học nắm được cơ hội mới do kỷ nguyên mới mang lại.

Giáo dục thông minh hướng tới việc cung cấp cho người học hệ kiến thức, kỹ năng phù hợp và trở thành những người tiên phong trong kỷ nguyên thông minh. Cùng một thời gian học tập, nhưng với công nghệ giảng dạy và học tập tiên tiến, người học sẽ được trải nghiệm thực tiễn cao nhất và tiếp cận với những khái niệm, kiến thức, kỹ năng tiên tiến cập nhật ở mức toàn cầu nhằm đáp ứng được nhu cầu việc làm toàn cầu.

Việc thay đổi lối dạy truyền thống từ đọc chép sang sử dụng hoàn toàn điện thoại thông minh, máy tính trong lớp học là mô hình được áp dụng và được nhiều nhà chuyên môn, GV đánh giá cao. Trong tiết học, GV hoàn toàn không sử dụng giáo án giấy mà thay vào đó dùng một máy chủ kết nối toàn bộ HS trong lớp.

Từ việc tổ chức dạy học tương tác, cho bài tập, kiểm tra bài tập, đưa tài liệu, nhận phản hồi từ HS… đều được thao tác trên máy. Lúc này, mỗi HS chỉ cần một phương tiện có thể kết nối mạng như máy tính bảng, điện thoại thông minh là có thể truy cập vào bài học một cách dễ dàng.

Sau khi đưa ra yêu cầu cụ thể, GV sẽ cho HS thời gian làm bài, phản hồi bài tập trong một khoản thời gian quy định. Thông qua hệ thống, GV có thể theo dõi và biết được những HS nào đã hoàn thành việc chuẩn bị bài, HS nào chưa hoàn thành và có thể can thiệp ngay. Nếu HS không hiểu bài, gặp khó khăn hay đơn giản chỉ là lười học, GV có thể tương tác ngay. Sử dụng công nghệ như vậy giúp việc dạy và học của trò đều tiện lợi hơn rất nhiều.

Với lớp học thông minh, HS không cần quá nhiều sách vở nhưng vẫn tiếp cận đa dạng tài liệu. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, các em còn được xem clip, được hướng dẫn vào các trang hỗ trợ học tập do GV gửi đường dẫn. Nhờ đó mà tiết họcvốn khô khan trước đây trở nên đầy màu sắc và thú vị hơn hẳn.

Những phần mềm mà các cơ sở giáo dục của ngành GD&ĐT Đà Nẵng đang sử dụng sẽ được tận dụng, kết nối như thế nào trong Kiến trúc ứng dụng mà UBND thành phố vừa công bố, thưa ông? Với kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT đã tính đến sự liên thông, tích hợp dữ liệu với hệ thống thông tin của Bộ GD & Đào tạo hay chưa?

Đối với những ứng dụng đã triển khai trước đây và có liên quan dữ liệu ngành, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp cùng các đối tác phát triển bổ sung tính năng ghép nối dữ liệu với CSDL ngành. Cụ thể, chúng tôi đã phối hợp cùng với tập đoàn VNPT, Viettel và Cty Netplus tiến hành tích hợp thành công dữ liệu học sinh và cán bộ giáo viên 147 trường học từ các ứng dụng Quản lý nhà trường đã được triển khai từ nhiều năm trước lên Adapter. Chuyển dữ liệu từ các ứng dụng quản lý trường học đưa trực tiếp lên hệ thống quản lý thi THPT Quốc gia của Bộ GD&ĐT, rất tiết kiệm thời gian, công sức và hạn chế tối đa sai sót.

Như tôi đã đề cập ở trên, để khắc phục những hạn chế tồn tại, hệ thống ứng dụng CNTT của ngành GD&ĐT TP Đà Nẵng ngoài khả năng liên kết dọc với các ứng dụng ngành từ cấp Bộ tới cấp cơ sở, cần thiết hướng đến kết nối ngang các ứng dụng CNTT của các ban ngành của thành phố trên mô hình xây dựng chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ