Đà Nẵng: Tình người trong hành trình “hồi hương”

GD&TĐ - Những ngày qua, rất đông người dân từ các tỉnh phía Nam chạy xe máy vượt hàng trăm cây số về quê. Trong hành trình “hồi hương” của họ có đi qua địa phận Đà Nẵng.

Các thanh niên tình nguyện đang thay nhớt xe cho xe ông Nguyễn Văn Sáng.
Các thanh niên tình nguyện đang thay nhớt xe cho xe ông Nguyễn Văn Sáng.

Nhằm tiếp sức cho người dân trên hành trình về quê, hàng chục tình nguyện viên cùng với lực lượng CSGT (Công an TP Đà Nẵng) đã xuyên đêm hỗ trợ, dẫn đoàn, sửa chữa xe miễn phí… để thời gian “đoàn viên” được rút ngắn hơn.

Những thợ sửa xe “đặc biệt”

Trong những ngày qua, Phòng CSGT (Công an TP Đà Nẵng) đã kêu gọi các tình nguyện viên có kinh nghiệm sửa chữa xe tham gia hỗ trợ đón, đưa người dân qua địa bàn.

Ngay sau khi đăng tải thông tin, hàng chục bạn trẻ đa phần là thợ sửa xe, sinh viên tình nguyện của các trường đại học trên địa bàn thành phố đã đăng kí tham gia.

2 giờ sáng 28/7, PV Báo GD&TĐ có mặt tại khu vực chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 14B thuộc địa phận xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Tại đây, gần 20 bạn trẻ trong trang phục bảo hộ, xách trên tay hộp đồ nghề sửa xe máy chờ đợi đoàn người từ các tỉnh phía Nam di chuyển về quê tránh dịch.

Đến khoảng 2 giờ 30 phút, sau khi đón đoàn khoảng 100 xe từ địa phận tỉnh Quảng Nam chạy ra TP Đà Nẵng, lực lượng CSGT đã bố trí cho đoàn tạm dừng ở khu đất trống giữa chốt kiểm soát dịch để nghỉ ngơi.

Tại đây, những người dân có xe máy hư hỏng, cần sửa chữa, thay nhớt, thay săm xe... sẽ được lực lượng chức năng hướng dẫn di chuyển sang bãi đất trống đối diện. Tại đây, những chiếc xe này sẽ được những thợ sửa xe “đại tu” trước khi tiếp tục chặng đường hồi hương.

Vừa cặm cụi thay săm xe, anh Diệp Tín (SN 1998, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm nghề sửa xe máy ở Đà Nẵng hơn 2 năm nay cho biết, mấy tháng nay, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến tiệm sửa xe của Tín ế ẩm. Bình thường, mỗi ngày của tiệm của Tín lúc nào cũng có hơn 10 chiếc xe ra vào sửa chữa nhưng hiện nay xe đến tiệm chỉ được vài chiếc, thậm chí có ngày phải “treo niêu”.

Dù thu nhập bấp bênh, thế nhưng khi có lời kêu gọi, anh Tín cùng 2 người bạn đã tình nguyện đăng kí tham gia hỗ trợ cho người dân. Đặc biệt, anh Tín đã tự bỏ tiền túi sắm ruột xe, dầu nhớt, cùng các loại phụ tùng để thay thế cho mọi người miễn phí.

Anh Tín tâm sự: “3 tụi em có mặt ở chốt từ 1 giờ sáng, ngồi gần một tiếng rưỡi để đón đoàn. Khi có thông tin từ phía Quảng Nam, Phòng CSGT liên hệ với tụi em để lên chốt. Vì đoàn đông người, số lượng xe máy nhiều nên thời gian đến không thể chuẩn xác, bọn em chủ động đến sớm chứ không lên muộn người dân họ chờ lại sốt ruột”.

Tham gia đội sửa xe tại đây còn có 15 đoàn viên là sinh viên Trường Đại học Đông Á. Trao đổi với phóng viên, anh Lê Đình Lượng - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Đông Á cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin từ Phòng CSGT, Ban Giám hiệu và Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đông Á đã kêu gọi lực lượng là sinh viên đội tình nguyện SOS của trường tham gia hỗ trợ.

“Các bạn sinh viên đa phần đến từ khoa công nghệ ô tô, điện - điện tử... đã có kiến thức và kinh nghiệm nhằm hỗ trợ sửa chữa những sự cố trên xe cho người dân. Đoàn trường cũng được các thầy cô, các cửa hàng phụ tùng xe máy... ủng hộ ruột lốp, phụ tùng để hỗ trợ cho các đoàn xe”, anh Lượng chia sẻ thêm.

Ngay sau khi nhận xe từ người dân, các tình nguyện viên nhanh chóng bắt tay vào kiểm tra, thay nhớt và sửa chữa. Dù trở thành những “thợ sửa xe” bất đắc dĩ nhưng, ai cũng làm việc thật tỉ mỉ và cố gắng hoàn thành công việc nhanh nhất, hy vọng giúp người dân sớm về với quê hương.

Lực lượng CSGT hỗ trợ cho đoàn xe đi qua địa phận Đà Nẵng.
Lực lượng CSGT hỗ trợ cho đoàn xe đi qua địa phận Đà Nẵng.

“Chỉ dừng lại nơi ít dân sống xung quanh để ăn uống”

Chạy liên tục 2 ngày trời, chiếc xe máy của ông Nguyễn Văn Sáng (40 tuổi, quê Thanh Hóa) đã bắt đầu xuất hiện những tiếng kêu lạch cạch. Sau khi dừng chân tại chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 14B, chiếc xe của ông Sáng đã được các tình nguyện viên kiểm tra máy móc, thay nhớt. Chỉ hơn 10 phút sau chiếc xe là nổ êm ru, ông Sáng vui mừng ra mặt.

“Từ Bình Dương về quê Thanh Hóa, chúng tôi rất xúc động khi đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ tại mỗi tỉnh nơi chúng tôi đi qua. Khi đến Đà Nẵng chúng tôi lại được sửa chữa xe miễn phí để mọi người có thể yên tâm về quê, chúng tôi cảm thấy ấm áp và chỉ biết cảm ơn mọi người thật nhiều”, ông Sáng nói.

Trước khi lên xe, ông Sáng còn được các tình nguyện viên tặng thêm 1 bình nhớt để thay trong hành trình về quê.

Ngay bên cạnh xe của ông Sáng, một nhóm tình nguyện viên khác đang thay săm xe của anh Lò Bá Thành (SN 1998, trú tỉnh Nghệ An).

Anh Thành cho biết, anh cùng người em họ vào Bình Dương làm công nhân 2 năm nay. Thế nhưng, những ngày qua, tỉnh Bình Dương bùng phát dịch Covid-19 nên công ty dừng hoạt động, công nhân phải nghỉ việc tạm thời.

Cuộc sống “nơi đất khách quê người” vốn đã khó khăn với những người công nhân như anh Thành, dịch bệnh bùng phát khiến cuộc sống của họ càng khốn đốn. Thất nghiệp hơn 1 tháng qua, không còn cách nào khác, anh Thành cùng người em họ của mình đành khăn gói, vượt hành trình hơn 1.500km để trở về quê.

“Đi từ Bình Dương về quê, chúng tôi chuẩn bị nước lọc, bánh mì và mì tôm. Những lúc mệt mỏi và đói chúng tôi chỉ dám dừng lại ven đường, nơi không có người dân sống xung quanh để ăn tạm bánh mì, mì tôm sống rồi tiếp tục hành trình. Giờ về tới Đà Nẵng được công an, thanh niên tình nguyện hỗ trợ sửa xe để đi tiếp, tôi rất cảm động và cảm ơn mọi người rất nhiều”, anh Thành tâm sự.

3 giờ sáng, những chiếc xe cuối cùng đã hoàn tất việc “đại tu”, anh Thành và đoàn người vội vã dắt xe ra đường để tiếp tục hành trình về quê. Cả trăm xe máy được các cán bộ, chiến sĩ CSGT dẫn đoàn hướng dẫn một đoạn đường trên hành hơn 1.000 về tới quê nhà. Phía sau, nhóm tình nguyện viên vẫn cố gắng tiễn thêm đến tận chân đèo Hải Vân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ