Theo phản ảnh của phụ huynh học sinh lớp 1/2 (năm học 2021 – 2022), Trường Tiểu học Lê Quang Sum (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), ngoài Giấy mời thông báo ngày, giờ, địa điểm để đưa con đi tiêm vắc-xin, giáo viên còn gửi kèm một số ghi chú của nhà trường. Theo đó, nếu học sinh không tiêm vắc-xin, nhà trường xin được từ chối không nhận học sinh ăn ở bán trú tại trường.
Cũng có giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh rằng năm học 2022 – 2023 sắp tới, những học sinh không tiêm vắc-xin sẽ không được bán trú (học 2 buổi nhưng trưa đó phải về). Nếu lớp có một em không tiêm vắc-xin cũng không được bán trú. Nhà trường chỉ tổ chức cho lớp đã hoàn thành tiêm vắc-xin. Trong thông báo này, giáo viên này cho biết: “Việc tiêm chủng của con em phụ huynh sẽ đưa vào thi đua của giáo viên. Vì sức khỏe cộng đồng, kính mong phụ huynh đưa con em đi tiêm vắc-xin”.
Trên diễn đàn Quản lý Đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi – xanh – sạch – đẹp, rất nhiều ý kiến phụ huynh không đồng tình với kiểu nhắn tin “ép buộc” này.
Được biết, các trường học ở một số quận ở Đà Nẵng đều phải cập nhật danh sách học sinh đăng kí tiêm (mũi 1, mũi 2) và báo về quận trước 15h00 hàng ngày. Vào cuối tháng 8, các trường sẽ lập hết danh sách học sinh chưa tiêm vắc xin để gửi báo cáo. Trừ những trường hợp đặc biệt như học sinh mới bị covid, bị bệnh không tiêm được... phụ huynh cần có minh chứng rõ ràng gửi về trường, nêu rõ cụ thể ngày bị Covid và ngày hết Covid của học sinh...
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hải Châu cho hay, thành phố giao các quận, huyện cố gắng đạt 70% tỷ lệ tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi phòng Covid-19 mũi 1 trước khi bước vào năm học mới. “Nhiệm vụ chính của các trường học hiện nay vẫn là tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của hội phụ huynh, phân công giáo viên chủ nhiệm cũ và mới cùng nhau phối hợp; chủ yếu vận động phụ huynh là chính”, bà Hà cho biết.
Về thông tin phải đạt tỉ lệ 70% học sinh tiêm vắc-xin thì mới được phép mở dịch vụ bán trú, chị Thu Hà, có con đang học một trường tiểu học tại quận Hải Châu thắc mắc những căn cứ y tế để đưa ra con số này: “Sau Tết Nguyên đán, khi học sinh tiểu học quay trở lại trường, gần như các con đều chưa tiêm vắc-xin. Và đã có học sinh nhiễm Covid-19 phải nghỉ học ở nhà. Trẻ tiêm hay không tiêm vắc-xin thì đều có nguy cơ lây nhiễm. Vậy trong phương án sắp xếp lớp, các trường có xếp riêng những học sinh đã tiêm/chưa tiêm thành một lớp hay không?”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học nêu quan điểm rằng, giáo viên và nhà trường chỉ có thể làm công tác vận động, tuyên truyền phụ huynh đưa con đi tiêm vắc-xin được. Chưa kể là việc tuyên truyền, vận động đó phải là công việc của cơ quan y tế mới có tính thuyết phục cao.
Đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, cho đến thời điểm này, Sở không có chủ trương, văn bản nào về việc bắt buộc học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vắc-xin để được đến trường. Tuy nhiên, cần tuyên truyền, động viên phụ huynh cho học sinh trong độ tuổi này tiêm vắc xin nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cháu trước khi đến trường và môi trường an toàn để tổ chức dịch vụ bán trú ở các trường.
Ngành GD&ĐT Đà Nẵng phấn đấu 100% học sinh, học viên từ 12 đến dưới 18 tuổi và tối thiểu 70% học sinh, học viên từ 5 đến dưới 12 tuổi có đủ điều kiện được tiêm các mũi vắc-xin cơ bản phòng Covid-19 và 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên có đủ điều kiện được tiêm các mũi vắc-xin cơ bản và tối thiểu 80% cán bộ giáo viên nhân viên có đủ điều kiện được tiêm các mũi nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19.