Ca mắc Covid-19 tăng trở lại, đẩy nhanh tiêm vắc xin

GD&TĐ - Theo Bộ Y tế, biến thể phụ BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới số ca mắc Covid-19 với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng 5/8, Bộ Y tế cho biết ngày 4/8 có 2.012 ca Covid-19; Sở Y tế Hải Phòng đăng ký bổ sung với số lượng kỷ lục- 402.830 ca Covid-19; trong ngày hơn 7.700 bệnh nhân khỏi.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.189.968 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 112.844 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc Covid-19 đã khỏi là: 9.948.174 ca. Trong số các bệnh nhân đang điều trị và giám sát có 112 ca đang thở ô xy là 112 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 101 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca. Số ca nặng này tăng vọt, gấp hơn 2 lần so với ngày trước đó.

Theo Bộ Y tế trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng.

Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.

Việc tiêm vắc xin không phải là bắt buộc tuy nhiên ngành y tế khuyến khích việc tiêm vắc xin đối với tất cả người dân. Ảnh: VGP.

Việc tiêm vắc xin không phải là bắt buộc tuy nhiên ngành y tế khuyến khích việc tiêm vắc xin đối với tất cả người dân. Ảnh: VGP.

Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp

Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng.

Theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), những khó khăn khi triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) ở người lớn trong giai đoạn hiện nay là do việc triển khai chủ yếu do ngành y tế tổ chức thực hiện, thiếu sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể như giai đoạn đầu của chiến dịch.

Thứ 2 do sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều người đã mắc không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo vì cho rằng đã có miễn dịch bảo vệ tự nhiên, tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.

Thứ 3, hạn sử dụng vắc xin Covid-19 chỉ từ 6-9 tháng trong khi lịch tiêm các mũi nhắc lại phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu với mũi tiêm trước đó, vì vậy có nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch cũng như huy động đối tượng tiêm.

Thứ 4, một bộ phận người dân chủ quan cho rằng, Covid-19 không còn nguy hiểm.

Riêng đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, các bậc cha mẹ vẫn còn e ngại về phản ứng sau tiêm, lo sợ ảnh hưởng lâu dài của vắc xin đến sức khỏe của trẻ; các trường hợp trẻ mắc bệnh hầu hết ở mức độ nhẹ cũng dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh cho rằng tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ là không cần thiết; việc rà soát đối tượng trẻ không đi học, trẻ nhỏ tại các vùng di biến động theo bố mẹ đi làm… cũng gặp nhiều khó khăn...

Bộ Y tế yêu cầu Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.

Đồng thời, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vắc xin Covid-19; tăng cường sự phối hợp giữa các bên thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp khác: thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân,… với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị và kêu gọi sự ủng hộ của người dân tuân thủ các quy định, làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ