Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng: Muôn chuyện dở khóc dở cười

GD&TĐ - Sau 5 ngày cúp nước để nâng cấp đường ống của Nhà máy nước Cầu Đỏ, các khu vực như phường Hòa Quý, Khuê Mỹ (Q. Ngũ Hành Sơn), An Hải Bắc, Mân Thái, Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà), Hòa Khánh Bắc, Hòa Phát (Q.Liên Chiểu) và một số xã của huyện Hòa Vang... vẫn chưa có nước sinh hoạt trở lại. Nhiều chuyện dở khóc dở cười khi người dân phải vật lộn vì không có nước sinh hoạt giữa những ngày thời tiết nắng nóng đến cực điểm.

Xe bồn chở nước phục vụ một số khu vực nước chảy yếu và thiếu
Xe bồn chở nước phục vụ một số khu vực nước chảy yếu và thiếu

Cãi vã vì lấy nước

Chị Lý Thị Nhi (đường Âu Cơ, Q. Liên Chiểu) mấy hôm nay cứ tan ca là về thẳng nhà bạn tranh thủ tắm gội rồi mới về nhà. “Hai vợ chồng em ở trọ, phòng chật chội nên chỉ có cái thùng nhỏ để hứng nước. Ngay ngày đầu tiên, nhà em đã hết sạch nước để xài rồi. Nhà có con nhỏ, không có nước dùng bất tiện đủ đường. Đi làm cả ngày mệt mỏi, nóng nực, đêm về phải canh khuya khuya thì nước mới chảy để giặt giũ áo quần, tắm gội. Mình còn tắm khuya được chứ con nhỏ thì chịu, mấy hôm nay em phải nói khó cô giữ trẻ, nhờ cô tắm luôn ở lớp cho cháu. Hôm đầu tiên hai vợ chồng em còn gây lộn nhau vì em nghĩ chắc nước sớm chảy lại như thông báo nên dùng hết nước dự trữ để tắm. Đến hơn 12 giờ đêm mà nước chưa chảy lại, ông xã em bực quá to tiếng luôn, kêu không biết nghĩ cho ổng”, chị Nhi kể.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước kéo dài tại các khu vực cuối nguồn, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng – Dawaco đã dùng đến giải pháp đặt các bồn chứa nước lưu động để người dân đến lấy nước sử dụng tạm thời. Theo đó, có 17 bồn đặt tại các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Tại khu vực Liên Chiểu, bắt đầu từ ngày 21/5, Xí nghiệp cấp nước Liên Chiểu đã huy động xe bồn đi tiếp nước lưu động tại các khu dân cư, người dân xếp hàng lấy nước về để phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có người ở nhà để đi xách nước từ các xe phục vụ lưu động.

Chị Trần Thị Thu Vân (P. Hòa Khánh Bắc, Q Liên Chiểu) cho biết: “Hôm đầu tiên, gia đình chị chỉ có bà cụ ở nhà nên không thể xách nước về nhà được, nhờ hàng xóm xách nhiều thì ngại nên bà chỉ hứng được một xô, ưu tiên cho việc đánh răng rửa mặt của cả nhà, còn nữa thì phải tiết kiệm tối đa trong sinh hoạt. Tình hình này không biết kéo dài đến lúc nào” - chị Vân thở dài. Ông Đàn (đường Vũng Thùng 3 - Q. Sơn Trà) còn chua chát kể: “Tối 20/5, Dawaco chỉ chở đến một bồn chứa khoảng 1.000 lít nước, người đến lấy thì đông nên người lấy nước được, người thì không dẫn đến mâu thuẫn lời qua tiếng lại rồi xô xát luôn. Cơ sự cũng chỉ vì xô nước, nhà ai cũng chỉ trữ đủ để dùng cho 2 - 3 ngày chớ mấy”.

Người dân khu vực tổ 65 phường Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu) huy động xô, chậu chờ xe chở nước lưu động cung cấp nước sạch cho sinh hoạt
  • Người dân khu vực tổ 65 phường Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu) huy động xô, chậu chờ xe chở nước lưu động cung cấp nước sạch cho sinh hoạt

Tăng công suất

Ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, tính đến 14 giờ ngày 21/5, việc cấp nước trên toàn thành phố đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, một số nơi thuộc phường Hòa Quý, Khuê Mỹ, (Q.Ngũ Hành Sơn), An Hải Bắc, Mân Thái, Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà), Hòa Khánh Bắc, Hòa Phát (Q.Liên Chiểu) và một số xã của huyện Hòa Vang... nước còn thiếu và yếu. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Hương, Dawaco tiếp tục khai thác tối đa công suất tại các nhà máy, đồng thời điều tiết nước trên mạng lưới; cấp nước tại các bồn chứa lưu động tới các khu vực trên.

Tại quận Sơn Trà, Dawaco cấp nước tại số nhà 70 An Hải 6, số 25 An Hải 9, số 21 Đỗ Anh Hàn, ngã ba đường Trần Nhân Tông - An Hải 6, số 221 Lý Đạo Thành (phường An Hải Bắc); ngã ba Trần Khắc Chân - Lê Phụ Trần, khu vực đường Trương Định, 52 Lê Văn Thứ (phường Mân Thái); số 24 đường Vũng Thùng 4.Tại quận Ngũ Hành Sơn, Dawaco cung cấp nước tại Khu gia đình quân đội K38 (phường Mỹ An); kiệt 137 đường Nguyễn Đình Chiểu, số 55 đường K20 và số 241 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Khuê Mỹ); khu đô thị FPT, khu dân cư Đông Hải (phường Hòa Hải); cuối đường Lưu Quang Vũ và Khu dân cư Khái Tây (phường Hòa Quý)… 

Dawaco đã phải dùng đến giải pháp tăng công suất cấp nước. Hiện, Nhà máy nước Cầu Đỏ thường xuyên phát khoảng 240.000 m3/ngày so với công suất thiết kế là 170.000 m3/ngày; nhà máy nước Sân Bay công suất thiết kế 30.000 m3/ngày nhưng thường xuyên phát khoảng 45.000 - 47.000 m3/ngày. Ngoài ra, Dawaco khai thác các nhà máy Sơn Trà, Hải Vân, Phú Sơn, Hồ Xanh, Khe Lạnh để tăng tối đa khả năng hiện có của Dawaco kết hợp đặt thêm một số tuyến ống tại một số khu vực.

Ngoài ra, giải pháp điều tiết nước các khu vực sẽ được Dawaco triển khai. Theo đó, sẽ giảm áp lực so với bình thường tại một số khu vực gần nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay, một phần quận Cẩm Lệ. “Từ 23 giờ - 5 giờ hàng ngày sẽ giảm áp lực và lưu lượng khu vực quận Hải Châu và một phần Thanh Khê để tăng áp lực cho khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu. Vì thế, khách hàng tại khu vực nước còn yếu có biện pháp lấy nước và dự trữ từ khoảng 23 giờ 30 hàng ngày cho sinh hoạt” - ông Hương thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.