Theo kế hoạch, đến năm 2020, 100% số trường THCS, THPT có đầy đủ 7 PHBM chủ yếu được đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Bộ GDĐT.
Xây dựng trường học được đưa vào công trình cấp bách
Ngoài quận Liên Chiểu có 50 lớp chưa được học 2 buổi/ ngày, 6 quận, huyện khác của TP Đà Nẵng đã có 100% HS Tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng thì để tổ chức cho 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày, các trường tiểu học đã tận dụng hết các khả năng hiện có như sử dụng tất cả các phòng phục vụ học tập (phòng chức năng) như: thư viện, truyền thống, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, ngoại ngữ làm phòng học.
“Việc tận dụng cơ sở vật chất như trên làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giáo dục toàn diện cho HS” – ông Vĩnh cho biết.
Một số trường ở quận Hải Châu phải che chắn phòng học tạm tại tiền sảnh thành lớp học như trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Tiểu học Tây Hồ. Một giải pháp khác mà nhiều trường áp dụng là tăng sĩ số HS lên 38 đến 45 HS/lớp. Ông Vĩnh cũng thừa nhận, việc tận dụng cơ sở vật chất ít nhiều.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã kiến nghị với UBND thành phố Đà Nẵng một số giải pháp như: Điều tiết địa bàn tuyển sinh của các trường tiểu học trong cùng địa bàn quận, huyện để giảm bớt áp lực cho các trường tiểu học ở khu vực trung tâm. Đà Nẵng cũng sẽ xây thêm 4 điểm trường tại khu tập trung đông dân cư ở các quận bức xúc nhất là Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Liên Chiểu.
Các công trình này được đưa vào danh mục công trình cấp bách cần triển khai ngay và sẽ được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Đà Nẵng cũng đã lên kế hoạch để phê duyệt danh mục đầu tư phòng học để triển khai coog tác chuẩn bị đầu tư năm 2018, xây dựng năm 2019 để duy trì 100% HS Tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đối với những trường ở trung tâm dân cư, có diện tích chật hẹp, Sở GD&ĐT cũng tham mưu nên xây dựng 4 tầng, để trống tầng 1 làm sân chơi cho HS, tránh trường hợp không còn đất để phát triển.
Đầu tư xây dựng phòng học bộ môn đạt chuẩn
Từ năm 2014 đến năm 2017, theo Đề án xây dựng Phòng học bộ môn (PHBM) đạt chuẩn đến năm 2020 được phê duyệt thì thành phố đã xây dựng được cho 20 trường học THCS, THPT với 54 PHBM với kinh phí là 74.841 triệu đồng.
Đầu tư trang thiết bị tối thiểu cho 51 PHBM với kinh phí là 13.657 triệu đồng. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng CSVC-KT và trang thiết bị tối thiểu là 88.498 triệu đồng.
Đà Nẵng còn 356 PHBM chưa đạt chuẩn, trong đó, ít nhất phải xây mới 140 PHBM. Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, hiện trạng PHBM ở Đà Nẵng cơ bản đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các trang thiết bị dạy học tối thiểu và trang thiết bị hiện đại theo chương trình phổ thông mới.