Chuẩn năng lực cho cán bộ, giảng viên: Đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục đại học

GD&TĐ - Theo đánh giá của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT), có một thực tế là số lượng giảng viên tại các trường ĐH thời gian qua có tăng, nhưng chất lượng lại không tăng. Nhiều cán bộ giảng viên không tham gia NCKH, không có công trình đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin còn rất hạn chế. 

Chuẩn năng lực cho cán bộ, giảng viên: Đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Trong khi đó, chưa có một bộ chuẩn nào cho đội ngũ giảng viên; các cơ sở giáo dục đại học thì nơi có nơi không.

“Đậm, nhạt” tùy nơi

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội thì kết quả đánh giá và thẩm định 20 trường ĐH “top trên” trong năm 2016 cho thấy, chỉ tính riêng điều kiện đảm bảo chất lượng về giảng viên cũng đã có nhiều tồn tại:

“Thiếu giảng viên so với quy mô và còn tình trạng giảng viên chưa đạt chuẩn. Tỉ lệ giảng viên ĐH chưa đạt chuẩn - tối thiểu là thạc sĩ - còn khá cao, giảng viên có trình độ cử nhân trung bình khoảng 16%; ít giảng viên được cấp nhật về phương pháp giảng dạy, khoa học kiểm tra đánh giá, phương pháp làm việc, hướng dẫn nghiên cứu sinh”.

TS Nguyễn Hải Thập – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) thì nhận định: “Về năng lực chuyên môn thì giảng viên của chúng ta thì không có vấn đề gì. Nhưng về chuyên môn nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, thông tin thì chưa được phát huy, còn nhiều hạn chế”.

Từ đây, TS Nguyễn Hải Thập đặt vấn đề: Đối với đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ, muốn nâng cao năng lực giảng dạy thì chúng ta căn cứ vào đâu?

Thực tế hiện nay, giáo viên phổ thông đã có chuẩn, còn đối với giảng viên sư phạm thì đang xây dựng chuẩn sư phạm nhưng riêng đội ngũ giảng viên trường đại học khác thì chưa có chuẩn nào cả.

“Bộ GD&ĐT cũng chưa ban hành chuẩn đối với giảng viên. Tại các trường thì có trường có, trường không. Và như vậy, chúng ta chưa có căn cứ nào để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên. Mà chúng ta đi mò mẫm qua một số giải pháp” – TS Thập cho biết.

Như ĐH Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ với quy định rất rõ ràng: Giảng viên dưới 45 tuổi phải lập kế hoạch đi học để sau 5 năm phải đạt được trình độ Tiến sĩ; số giảng viên trẻ mới tuyển dụng chậm nhất 30 tuổi phải có trình độ Thạc sĩ và 38 tuổi phải có trình độ Tiến sĩ; bắt buộc cán bộ trẻ đi đào tạo sau ĐH ở nước ngoài - trừ những ngành đặc thù.

Trong tuyển dụng mới giảng viên, ĐH Đà Nẵng chỉ chọn những ứng viên tốt nghiệp xuất sắc, có nhiều thành tích NCKH và ưu tiên có điểm tiếng Anh cao.

Đến nay, trong số 1.459 giảng viên của toàn ĐH Đà Nẵng, có 26,94% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 63% trình độ Thạc sĩ và có khoảng 50% giảng viên có thể sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy.

Tại Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 1/2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tỉ lệ 19% giảng viên có trình độ tiến sĩ là quá thấp.

“Nếu chúng ta nâng con số này lên thì sẽ tác động nhanh đến chất lượng giáo dục ĐH. Đây là trách nhiệm của hiệu trưởng các trường ĐH, nếu hiệu trưởng có chiến lược xây dựng đội ngũ thì đó là một cách để tạo dựng thương hiệu của nhà trường. Chúng ta chấp nhận nhiều chuẩn giảng viên ĐH khác nhau nhưng phải có một chuẩn chung về trình độ đào tạo”.

Cần có thước đo chung đánh giá năng lực giảng viên

Tại Hội nghị bàn về việc “triển khai xây dựng Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên tại các trường đại học” vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng, phương án xây dựng chuẩn năng lực giảng viên đã nhận được nhiều ý kiến tán thành từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn.

Theo TS Nguyễn Hải Thập, từ khung tối thiểu năng lực đội ngũ giảng viên, các cơ sở giáo dục đại học có thể căn cứ vào đó để xây dựng cho trường mình một khung năng lực riêng, thậm chí từng khoa, ngành có thể có thêm những tiêu chí riêng.

Và trên cơ sở khung năng lực tối thiểu này, mới có thể xây dựng được những giải pháp để nâng cao chất lượng của giảng viên được.

Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên tại các trường đại học tập trung vào một số nội dung như: tăng tỉ lệ Tiến sĩ, nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học… TS Nguyễn Hải Thập cho biết: “Chúng ta phải đưa ra phương án để tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ cao hơn hiện nay. Và phải có lộ trình tăng từng bước một, tiến tới đã giảng dạy đại học thì phải có trình độ Tiến sĩ”.

Ngoài trình độ đào tạo, muốn giảng dạy ở bậc đại học, giảng viên còn phải có năng lực giảng dạy, năng lực giáo dục và năng lực nghiên cứu khoa học. TS Nguyễn Hải Thập nhấn mạnh:

“Người giảng dạy phải có 3 nhiệm vụ: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ cho cộng động. Muốn giảng dạy tốt, ngoài phương pháp giảng dạy thì anh phải có năng lực khoa học, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tiếp cận các vấn đề xã hội, năng lực phát triển môn học theo yêu cầu của thị trường lao động, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.