Đà Nẵng: Những suất cơm nghĩa tình giữa đại dịch Covid-19

Đà Nẵng: Những suất cơm nghĩa tình giữa đại dịch Covid-19

Thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn đó, những mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trên địa bàn TP Đà Nẵng đã chuẩn bị những suất cơm, nước uống miễn phí để phát cho người lao động nghèo, với mong muốn chia sẻ những khó khăn trong lúc dịch bệnh.

Chút tình giữa lúc dịch Covid

Trưa 7/4, tại góc đường Trưng Nữ Vương, anh Nguyễn Duy Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiện Nguyện Bông Sen, chủ quán cơm Yên Vui (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cùng với vài người bạn trẻ mang những suất cơm miễn phí đi phát cho những người lao động nghèo đang mưu sinh tại khu vực xung quanh.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đức cho biết, anh và mọi người nấu và phát cơm 3 buổi/ tuần. Trung bình mỗi tháng tổng số tiền mà quỹ Bông Sen và các mạnh thường quân đóng góp để tặng miễn phí cho cộng đồng có tổng trị giá khoảng 120 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ những ngày thực hiện cách ly xã hội, các quán cơm Yên Vui đã phát liên tục tất cả các ngày trong tuần với 250 suất mỗi ngày.

Anh Đức cũng cho hay, từ ngày 1/4, để tránh mọi người tụ tập tại những điểm phát cơm dù chỉ là vài phút, anh cùng với một số người trong nhóm chia ra, mỗi người một xe một thùng đựng cơm đi khắp các tuyến đường lớn để phân phát cho những người lao động không có gì ăn trong những trưa nắng nóng.

Đà Nẵng: Những suất cơm nghĩa tình giữa đại dịch Covid-19 ảnh 1
Người lao động nhận cơm miễn phí của các nhà hảo tâm.

“Bên cạnh đó, tại những điểm phát cơm cố định, tôi cùng với mọi người đặt sẵn những suất ăn trưa trên bàn để người nghèo ai cần thì đến lấy kèm với một lưu ý như” Xin bà con vui lòng không đứng quá gần nhau, rửa tay sát khuẩn trước khi lấy cơm. Cảm ơn!”, anh Đức chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Bình Nam (Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau) cho hay, hoạt động phát cơm miễn phí được anh và những người bạn thiện nguyện lên kế hoạch thực hiện từ ngày 6/4 đến hết ngày 16/4, nhằm hỗ trợ cơm trưa cho những người khó khăn, những người lao động thu nhập thấp, khó khăn. Kinh phí để thực hiện phát cơm được anh Nam kêu gọi, vận động từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống mưu sinh của những người dân lao động nghèo khó. Trước đây, công việc mưu sinh của họ đã khó khăn, giờ tình hình dịch bệnh phức tạp, nên họ khó khăn hơn gấp nhiều lần. Chúng tôi nấu những suất cơm gửi tặng đến họ, mong muốn, sẻ chia một một phần khó khăn với những người lao động nghèo, cùng nhau vượt qua giai đoạn này”, anh Nam nói.

“Cảm ơn tấm lòng của mọi người”

Đà Nẵng: Những suất cơm nghĩa tình giữa đại dịch Covid-19 ảnh 2
Một điểm phát gạo, mì tôm miễn phí cho người dân trong đợt dịch bệnh Covid-19. 

Đang xếp hàng chờ đến lượt nhận cơm, bà Huỳnh Thị Lam (trú phường Hòa Thuận, quận Hải Châu) tâm sự, trước mùa dịch Covid-19, bán vé số gần 6 năm mỗi ngày bà kiếm được khoảng 70.000 đến 100.000 đồng/ngày đủ nuôi sống bản thân và đứa con bị tật nguyền. Nhưng tình hình dịch bệnh kéo dài, các quán cà phê đều dừng hoạt động, thu nhập của bà đã bị ảnh hưởng, cuộc sống khó khăn hơn.

“Giờ tôi chỉ trông cho hết dịch bệnh để đi bán lại kiếm tiền nuôi con. Các cô, các chú phát cơm cho người dân nghèo như chúng tôi, chúng tôi quý lắm. Cảm ơn tấm lòng của mọi người rất nhiều”, bà Lam xúc động.

Nở nụ cười khi cầm trên tay phần cơm nóng hổi vừa nhận được, bà Nguyễn Thị Mùi (trú tại đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho hay, bà làm nghề rửa bát thuê cho một quán ăn. Giờ quán không cho mở cửa, không có việc làm, bà đi nhặt giấy vụn, chai lọ nhưng mà bán cũng chẳng ai mua. Khi nghe có điểm phát cơm miễn phí, những người khó khăn như bà đều vui mừng và xúc động.

“Biết là khó khăn chung, nhưng mọi người đã quan tâm đến chúng tôi như vậy là ấm lòng lắm rồi. Chúng tôi cảm ơn mọi người rất nhiều”, Mùi cười nói.

Những suất cơm tuy nhỏ, nhưng nó chứa cả tình thương, sự chia sẻ của người dân với nhau trong lúc khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên cả nước. Ở Đà Nẵng, ngoài anh Đức, anh Nam vẫn còn nhiều các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm vẫn đang ngày đêm quyên góp, hỗ trợ, để san sẻ những khó khăn với người dân lao động nghèo khó. Cứ thế, mọi người dìu nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn giữa lúc dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.