Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng hoạt động cầm chừng do thiếu hụt đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng về nguyên liệu... Ghi nhận cho thấy rất nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự…
Chưa từng có tiền lệ
Là doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thực phẩm đông lạnh sang các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong đó, chủ yếu là thị trường châu Âu, tuy nhiên thời gian này, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) buộc phải cho công nhân nghỉ làm thứ Bảy, Chủ nhật.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - cho hay, đây là quyết định chưa từng có trong tiền lệ, bởi lúc này doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Lĩnh, sau dịch bệnh cộng thêm ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn đến sức mua của người dân tại các nước nhập khẩu giảm mạnh. Nhiều đơn hàng bị từ chối nhận, các hợp đồng mới giá rất thấp, trong khi chi phí sản xuất lại cao.
“Bên cạnh đó, cuối năm, doanh nghiệp còn có rất nhiều thứ để lo như: Tiền thuế, tiền lãi cổ đông… tất cả áp lực đều đè nặng lên vai doanh nghiệp”, ông Lĩnh chia sẻ.
Ông Lĩnh cũng cho rằng, việc đảm bảo đời sống cho người lao động là câu hỏi rất đau đầu đối với doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Việc cắt giảm giờ làm là điều doanh nghiệp như chúng tôi không hề mong muốn. Hiện, công ty có khoảng 4.000 công nhân, trong khi tình hình tài chính eo hẹp nên doanh nghiệp rất khó xoay xở. Đây cũng là bài toán khó chung của các doanh nghiệp hiện nay.
Lâm vào cảnh tương tự, tại Công ty TNHH May mặc Whitex Việt Nam (Khu Công nghiệp Hòa Khánh mở rộng) cho lao động nghỉ luân phiên do không có đơn hàng.
Cụ thể, công ty hiện có 500 lao động, trong đó 300 lao động đi làm và 200 lao động nghỉ, sau đó đổi lại 200 lao động đi làm, 300 lao động nghỉ. Đối với lao động nghỉ được hưởng 70% lương, công ty đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH)… Thời gian nghỉ dự kiến đến hết tháng 1/2023.
Nhiều công ty khác cũng cho nhân viên giảm giờ làm, nghỉ chờ việc cũng với lý do không có đơn hàng, thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu như: Công ty chế biến thủy sản Sơn Trà (71 lao động), Công ty TNHH Bắc Đẩu giảm giờ làm do nguyên liệu không có, công nhân chỉ làm việc được 3 ngày/tuần còn lại nghỉ, hưởng 70% lương...
Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp
Ảnh minh họa. |
Theo ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Ban Quản lý đã liên hệ với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt tình hình, đồng thời tích cực phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Thời gian qua, một số doanh nghiệp chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, trong khi nước này lại bị dịch bệnh hoành hành nên doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu, không có được đơn hàng. Do đó, doanh nghiệp buộc phải cho người lao động nghỉ phép năm, trả lương ngừng việc (mức lương tối thiểu vùng) hoặc người lao động tự nghỉ việc.
Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 4 nên phải ngừng sản xuất để khắc phục hậu quả. Còn một số doanh nghiệp đặc thù về ngành thủy sản hoạt động theo mùa nên phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu và đơn hàng, bởi vậy giờ làm của công nhân cũng rất bấp bênh”, ông Tỵ thông tin.
Ông Tỵ cho biết thêm, hiện nay một số doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng, và bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, cho người lao động làm việc luân phiên, nghỉ hưởng 70% lương, đóng các chế độ BHXH… đầy đủ để duy trì lao động.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động, công nhân yên tâm lao động sản xuất.
Trước tình trạng công nhân nghỉ phép, giảm giờ làm, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như dịp Tết Nguyên đán sắp đến, ông Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng - cho hay, hiện Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng đã có kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động và đề xuất chính sách hỗ trợ trong dịp Tết Quý Mão.