Tăng cường năng lực ứng phó rủi ro cho nền kinh tế Đà Nẵng

GD&TĐ - Hội thảo Thực trạng và giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng cho nền kinh tế Đà Nẵng tổ chức ngày 26/10. 

PGS.TS. Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tặng hoa cho đại diện các đơn vị đồng tổ chức Hội thảo.
PGS.TS. Lê Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tặng hoa cho đại diện các đơn vị đồng tổ chức Hội thảo.

Hội thảo khoa học quốc gia về “Thực trạng và Giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng” được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.

Hội thảo tập trung làm rõ các khía cạnh lý thuyết và kết quả phân tích thực trạng năng lực ứng phó với rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế thành phố Đà Nẵng trong những năm qua, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Trên cơ sở này, các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế đề xuất những định hướng lớn và các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực ứng phó với rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế thành phố Đà Nẵng trong tương lai.

Hội thảo làm rõ cơ sở lý thuyết về quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng, ứng phó rủi ro trong nền kinh tế quốc gia, kinh tế địa phương. Quản lý rủi ro & ứng phó rủi ro trong các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Đà Nẵng trong bối cảnh hậu Covid-19.

Nhiều tham luận đã đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cảnh báo sớm, quản lý rủi ro cho tài chính. Ứng dụng các mô hình kinh tế lượng để nghiên cứu tác động của ứng phó rủi ro đến hoạt động kinh tế, tài chính... Một số kinh nghiệm ứng phó rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, tài chính... của các nước phát triển và bài học cho Việt Nam, Đà Nẵng. Giải pháp và chính sách đặc thù hỗ trợ & thúc đẩy năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng của doanh nghiệp, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị được thảo luận tại Hội thảo.
Nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị được thảo luận tại Hội thảo.

Đại dịch Covid-19 cũng như những diễn biến bất thường của thiên tai thời gian vừa qua khiến nền kinh tế thành phố Đà Nẵng suy giảm tăng trưởng chưa từng có.

Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Đà Nẵng chỉ đạt 61,67 nghìn tỷ đồng và lần đầu tiên tăng trưởng xuống mức âm 8,2% (so với năm 2019) sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển.

Đến năm 2021, GRDP thành phố có cải thiện, tăng 0,18% so với năm 2020; quy mô GRDP của thành phố năm 2021 chỉ tương đương khoảng 91,98% của năm 2019. Nếu kinh tế thành phố không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 7,71% thì GRDP năm 2021 lớn hơn GRDP năm 2019 là 15,42%.

Những số liệu trên có thể thấy rằng thành phố Đà Nẵng nằm trong nhóm địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và dễ bị tổn thương nhất bởi các biến cố thiên tai, dịch bệnh.

Qua việc phân tích các tác động của các cú sốc, áp lực của các vấn đề an ninh phi truyền thống (ANPTT) đến các khu vực kinh tế thành phố Đà Nẵng, nhóm tác giả TS. Hoàng Văn Long - Đoàn Thị Ngọc Hà, Trần Phương Thảo đã đặt ra những vấn đề trong báo cáo tham luận “Đánh giá tác động từ cú sốc, áp lực các vấn đề an ninh phi truyền thống (ANPTT) đến phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn thành phố Đà nẵng: Nghiên cứu trường hợp của đại dịch Covid-19”.

Theo đánh giá của nhóm tác giả này thì kinh tế Đà Nẵng có sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài là khá lớn, đặc biệt là khu vực Công nghiệp và xây dựng. Điều này dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu chủ động về nguồn cung cũng như ảnh hưởng nặng nề đến việc xuất khẩu.

Đà Nẵng có cơ cấu kinh tế thiên về khu vực dịch vụ (Dịch vụ - Công nghiệp và xây dựng - Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm - Nông, lâm nghiệp và thủy sản). Trong khi đây lại là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, sự hồi phục phụ thuộc rất lớn vào thị trường bên ngoài, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Từ đó, nhóm tác giả trên đã đưa ra các giải pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực và nâng cao khả năng chống chịu cho các khu vực kinh tế. Cụ thể: Thu hút nhân lực trở lại làm việc sau Covid-19, Chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang các ngành kinh tế mũi nhọn, Chuyển đổi số nền kinh tế và tăng cường phòng chống những nguy cơ, hiểm họa về y tế, sức khỏe.

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết, từ hội thảo, có nhiều đề xuất, giải pháp có thể tham khảo để chính quyền thành phố quản trị khủng hoảng, ứng phó rủi ro ở góc độ kinh tế địa phương, doanh nghiệp, xây dựng được các kịch bản để nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo khoa học quốc gia "Thực trạng và giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng" do các đơn vị: Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Đà Nẵng và Hội Khoa học Kinh tế thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Trung Bộ, Học viện chính trị Khu vực III, Trường Đại học Đông Á, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đồng phối hợp tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.