Đà Nẵng: Mô hình rau củ quả “phá băng” du lịch

GD&TĐ - Mô hình du lịch tham quan, trải nghiệm như: Việc trồng, thu hoạch rau, củ, quả… tại các hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP Đà Nẵng đang “phát huy tác dụng”.

Học sinh Trường Mầm non Hoàng Anh (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) trải nghiệm thu hoạch rau xà lách thủy canh tại vùng sản xuất rau an toàn Túy Loan.
Học sinh Trường Mầm non Hoàng Anh (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) trải nghiệm thu hoạch rau xà lách thủy canh tại vùng sản xuất rau an toàn Túy Loan.

Mô hình này xuất hiện giữa lúc ngành du lịch đang tìm kiếm những sản phẩm mới lạ để hút khách.  

Học sinh đi du lịch… vườn rau

Phát triển ngành du lịch phong phú, đa dạng đang là mục tiêu chung của nhiều địa phương. Người nông dân tận dụng tối đa cánh đồng lúa, hoa màu, quả... của mình để đưa vào du lịch. Du lịch nông nghiệp đang được nhiều địa phương triển khai và hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân không bỏ ruộng, bỏ vườn và phát huy hiệu quả sẵn có của mình để tăng thêm thu nhập.

Tại Đà Nẵng, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng du khách quốc tế đến thành phố đã giảm hẳn. Bởi vậy, việc chú trọng vào thị trường nội địa, cùng với việc tạo ra các sản phẩm mới mẻ được ngành du lịch của thành phố đặc biệt quan tâm.

Cùng với việc tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách, một số vùng trồng rau sạch trên địa bàn thành phố áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp tham quan trải nghiệm. Đây là một trong những hướng đi mới, đang dần phát huy hiệu quả, khi mà ngành du lịch thành phố đang tìm những sản phẩm mới, độc lạ, để thu hút du khách tham quan.

Vừa qua, 150 học sinh của Trường Mầm non Hoàng Anh (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đến tham quan thực tế tại vùng rau của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) vào đầu năm 2021 như là một tín hiệu vui cho việc phát triển du lịch theo hướng này.

Tại đây, các em học sinh được giới thiệu, hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch rau cải, xà lách, rau muống, khổ qua, cà tím… Không chỉ hòa mình vào thiên nhiên, học hỏi quy trình trồng trọt, các em còn được nhận các loại nông sản sạch mang về sau khi kết thúc chương trình tham quan.

Theo tìm hiểu, mỗi năm Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan đón khoảng 5.000 - 6.000 du khách từ các đoàn, tour du lịch, học sinh trên địa bàn thành phố. Qua đó, vừa thúc đẩy du lịch địa phương, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Kim (thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong) - cho biết, gia đình bà có 2 sào (1.000 m2) đất trồng rau muống, đậu cô ve, bí… Ngoài cung cấp rau sạch ra thị trường, đây còn là điểm tham quan, trải nghiệm của nhiều du khách.

Bà Kim cho hay, chủ yếu vườn rau của bà chỉ thu hoạch và cung cấp cho các siêu thị, thương lái. Nhưng nếu có du khách đến tham quan, trải nghiệm thì bà “kiêm” luôn việc đón tiếp du khách, hướng dẫn khách quy trình làm rau hữu cơ như làm đất, gieo giống, tưới rau… Nếu khách có nhu cầu trải nghiệm thì người dân sẽ chuẩn bị dụng cụ sản xuất và phân, giống… để hướng dẫn khách trực tiếp làm như một nông dân thực thụ.

“Nguồn thu nhập từ du lịch mang lại giúp các hộ trang trải một phần chi phí hiếu hỉ cũng như chăm sóc, tạo cảnh quan cho vườn rau”, bà Kim chia sẻ.

Là một trong những vùng rau an toàn lớn nhất Đà Nẵng, vùng sản xuất rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) với diện tích khoảng 9ha, không chỉ là nơi chuyên canh các loại rau, củ, quả sạch theo chuẩn VietGAP, cung cấp cho toàn thành phố mà còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách.

Ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau an toàn La Hường cho biết, khi có du khách đến du lịch trải nghiệm, đơn vị sẽ chuẩn bị dụng cụ sản xuất để hướng dẫn khách trực tiếp làm giống một nông dân thực thụ như: Quy trình làm đất, gieo giống, tưới rau và thu hoạch.

“Với nhiều đơn vị lữ hành, trường học thường liên hệ Hợp tác xã để mua toàn bộ luống rau, củ, quả để du khách, học sinh thoải mái, tự do khám phá, học hỏi. Nhiều người sau khi sử dụng các sản phẩm tại vùng rau đã cùng gia đình quay trở lại để mua nông sản”, ông Trần Văn Hoàng chia nói.

Hướng phát triển du lịch bền vững

Phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ cho biết, vừa qua, đơn vị đã trao đổi, đề xuất với các cơ quan chức năng về Đề án phát triển vùng rau La Hường thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm và nhận được nhiều sự ủng hộ. Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế sẽ tiếp tục xây dựng và trình đề án này. Nếu được phê duyệt, vùng rau an toàn La Hường sẽ trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với quận Cẩm Lệ nói riêng và thành phố nói chung. Đây không chỉ là cơ hội để nông dân tại vùng rau có thêm nguồn thu nhập mà còn khai thác tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quận ngày càng văn minh, hiện đại, trở thành đô thị trung tâm của thành phố. 

Ông Bùi Dũng - Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan cho rằng, mô hình này không chỉ giúp hợp tác xã làm du lịch mà còn là cách quảng bá hiệu quả nông sản sạch, đạt chuẩn VietGAP, OCOP. Đây là hướng đi mới, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường sinh thái được nhiều vùng rau tại các tỉnh, thành phố trên cả nước áp dụng.

Còn ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc điều hành Công ty CP Du lịch Việt Đà (Việt Đà Travel) cho hay: “Sản phẩm của du lịch nông nghiệp đã xuất hiện từ lâu tại các địa phương và được nhiều du khách ưa chuộng, chọn lựa. Nếu như thành phố có nhiều sản phẩm trên thì sẽ tạo ra sự đa dạng, hấp dẫn trong việc triển khai các tour tham quan. Qua đó, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch của thành phố”.

Thời gian qua, ngành du lịch và TP Đà Nẵng đã tung ra những sản phẩm mới nhằm thu hút du khách, song hành với đó, việc phát triển du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp hiện nay nhằm không chỉ hỗ trợ cho du lịch thành phố mà còn góp phần đa dạng sản phẩm du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của khách, đặc biệt hướng đến sự phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ