Hãi hùng cho vay “cắt cổ”
Trong quá trình đầu tư xây dựng nhà hàng, do thiếu vốn nên anh L.T.A.Đ. (SN 1979, tạm trú P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) có vay nóng của một số cá nhân 240 triệu đồng với lãi suất cao. Trong đó, ngày 18/6/2018, anh Đ. vay 140 triệu đồng với lãi suất 20% và phải trả trong vòng 10 ngày. Trên thực tế, anh Đ. chỉ nhận được 112 triệu đồng do chủ nợ đã trừ ngay 28 triệu đồng tiền lãi khi giao tiền.
Tuy nhiên, do kinh doanh ế ẩm nên anh Đ. không có khả năng chi trả. Vì thế, trong 2 ngày 5 - 6/9, nhà hàng của anh Đ. bị nhiều người lạ mặt đến đe dọa nhân viên rồi tháo dỡ, khiêng tài sản chất lên xe tải chở đi. Chưa hết, những người này cũng đã tìm đến trụ sở của công ty anh Đ. ở một địa chỉ khác, khuân hết máy tính, giấy tờ sổ sách, hóa đơn, dụng cụ phục vụ kinh doanh theo hình thức siết nợ. Anh Đ. đã làm đơn trình báo đến cơ quan công an. Vụ việc sau đó được thỏa thuận theo hướng phía chủ nợ chấp nhận để anh Đ. chỉ phải trả tiền gốc số tiền đã vay mượn.
Cũng vì trả chậm lãi cho khoản vay 5 triệu đồng, anh Nguyễn Thanh N. (trú P. Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bị hai người cho vay bắt ép trả cả lãi và gốc 8 triệu đồng, trong đó 3 triệu đồng là tiền phạt. Không đồng ý với mức phạt trả lãi này, anh N. phản ứng liền bị hai người kia lao vào, dùng mũ bảo hiểm đánh gãy răng cửa và buộc phải viết giấy cầm cố xe máy mới được thả về. Sau đó, anh N. trình báo sự việc đến Công an huyện Hòa Vang. Hai người trên đã bị bắt và xử lý theo pháp luật.
Hệ lụy của việc cho vay tín dụng đen không dễ gì lường hết được. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp để vay tiền. Thậm chí, như một trường hợp ở quận Thanh Khê, đã bị những người chuyên cho vay nặng lãi bắt cóc, tống tiền và buộc phải trả nợ thay bạn chỉ vì trước đó giới thiệu bạn đến vay nhưng không có khả năng trả nợ.
Các đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi của Công ty Tài chính Nam Hải (có trụ sở tại Q. Sơn Trà) bị tạm giữ hình sự |
Cần báo ngay cho cơ quan công an
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra 46 vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến cho vay mượn và đòi nợ thuê; trong đó có 41 vụ cho vay nặng lãi. Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, trong năm 2018, hoạt động “tín dụng đen” có chiều hướng diễn biến phức tạp. Một số nhóm người ở các địa phương phía Bắc như Hải Phòng, Hà Nội vào Đà Nẵng cư trú có biểu hiện hoạt động cho vay tiền với lãi suất cao, có tính chất chuyên nghiệp; thậm chí tổ chức thành nhóm, hoặc núp bóng doanh nghiệp với quy mô khác nhau để hoạt động.
Trong kỳ họp lần thứ 9 HĐND khóa IX nhiệm kỳ 2016 – 2021 mới đây, trả lời chất vấn của cử tri về tình trạng tín dụng đen hoành hành, ông Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng khẳng định: “Công an thành phố không thờ ơ với loại hình tội phạm này, loại tội phạm gây bất an, bất bình lớn trong nhân dân”. Trên thực tế, cơ quan công an đã xử lý 49 người, khởi tố hai vụ có liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê ở quận Sơn Trà, Liên Chiểu; bắt giam bốn người và đang thu thập, củng cố chứng cứ xử lý tiếp các đối tượng còn lại. Đơn cử như nhóm cho vay nặng lãi ở Sơn Trà, chỉ trong vòng nửa năm đã cho 84 người vay với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Trong đó có trường hợp ông N.Q.Đ (trú Q. Hải Châu) vay 50 triệu đồng ngày 13/8/2018 nhưng viết giấy vay 60 triệu đồng trong vòng 40 ngày. Đến ngày 2/9, ông Đ. vay tiếp 100 triệu đồng nhưng viết giấy vay 120 triệu đồng, cũng trả trong vòng 40 ngày.
Ông Vũ Xuân Viên cũng khuyến cáo người dân nếu mắc bẫy tín dụng đen, rơi vào tình trạng bị cưỡng bức, khống chế, đe dọa hoặc bị gây thiệt hại nên báo ngay cho cảnh sát khu vực, lực lượng công an phường hoặc gọi trực tiếp vào đường dây 113 của Công an thành phố để trợ giúp, kịp thời xử lý ngay các đối tượng vi phạm.