Phụ huynh băn khoăn
Chị Trúc Hà (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), có con học lớp Một băn khoăn: "Lớp con tôi đang theo học, cô giáo chủ nhiệm dạy online theo hình thức tương tác trực tiếp với học sinh (HS) 3 buổi/tuần. Mỗi buổi khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ cho 2 môn Toán - Tiếng Việt. Chưa kể là giáo viên các môn như Mỹ thuật, Âm nhạc... cũng vào để kiểm tra mức độ nắm bài của HS.
Thời gian cô giáo gọi HS đọc bài, trả lời câu hỏi vì vậy là không nhiều. Gần như mỗi HS chỉ được cô gọi 1-2 lần cho mỗi môn học vì lớp đông. Những buổi còn lại, cô sẽ gửi video cho HS tự học dưới sự hướng dẫn của phụ huynh. Vì vậy, hiệu quả của việc học trực tuyến là hạn chế nếu phụ huynh không hỗ trợ thêm cho con".
Chị Hồng Vân, phụ huynh Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: "Sau 5 ngày học trực tiếp, các con quay lại học trực tuyến. Mỗi buổi học, HS phải nhớ được 2-3 âm, vần mới, bắt đầu học các vần khó. Rồi học viết, học làm toán... Độ khó của chương trình tăng dần lên, phụ huynh cũng khó hướng dẫn cho con học nếu không theo dõi giờ dạy của cô giáo. Nên tôi rất băn khoăn nếu các cháu kiểm tra cuối học kỳ ở thời điểm này".
Cô Trần Thị Tường Vi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai cho biết: Hiện tại, nhà trường vẫn chưa có lịch kiểm tra cuối học kỳ I đối với HS khối lớp 1-2 vì đang chờ hướng dẫn của Sở và Phòng GD&ĐT.
Trong 1 tuần HS khối lớp Một đến trường học trực tiếp, các giáo viên đã kiểm tra mức độ nắm bắt kiến thức cũng như các kỹ năng của HS. "Cần thêm một tuần học trực tiếp nữa để ôn tập lại kiến thức trong thời gian học trực tuyến. Tuy nhiên, do diễn biến dịch phức tạp, HS lớp 1 phải quay lại học trực tuyến. Từ kết quả kiểm tra thực tế, nhà trường đã thay đổi phương án tổ chức dạy - học trực tuyến đối với khối 1" - cô Tường Vi thông tin. Theo đó, Trường Tiểu học Lê Lai tăng thời lượng dạy trực tuyến "face to face" nhiều hơn để GV có thêm thời gian rèn cho HS đọc và hướng dẫn cách viết, làm toán... kỹ hơn, tránh tình trạng phụ huynh hoặc anh chị em làm thay bài cho HS.
Các giáo viên lớp 1 của Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã chia lớp thành các nhóm nhỏ theo mức độ nắm bắt của HS để dạy trực tuyến. "Gần như GV nào cũng chia lớp thành 2 ca dạy. Việc giảm số lượng HS trên mỗi ca sẽ giúp GV tương tác với HS được nhiều hơn. Ngoài ra, đối với những HS còn hạn chế trong tiếp thu bài, GV sẽ có những hình thức hỗ trợ riêng" - cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Tập trung nâng cao chất lượng dạy - học
Ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Với HS khối lớp 1-2, Sở GD&ĐT sẽ nắm tình hình dạy học thực tế tại các trường để quyết định việc kiểm tra cuối học kỳ I. Quan điểm của Sở là thời gian tiến hành kiểm tra cuối học kỳ I với 2 khối lớp này sẽ không cứng nhắc theo khung năm học, có thể lùi sang đến cuối tháng 1/2021. Thời điểm này, các trường tiểu học cần tập trung nâng cao chất lượng dạy - học”.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại quận Hải Châu cho rằng kế hoạch dạy học đã được giao cho các trường chủ động, học đến đâu kiểm tra đến đó. Nên chăng Sở GD&ĐT nên trao quyền chủ động cho các trường trong lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp. Nếu lùi thời gian kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I thì sẽ ảnh hưởng những mốc thời gian khác.
Cô Trần Thị Kim Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: "Đánh giá HS là cả quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Trong đó đánh giá thường xuyên là quan trọng, bài kiểm tra định kì chỉ là một điều kiện. Hơn nữa, HS còn có thêm một bài kiểm tra đánh giá định kỳ vào cuối năm học. Trong điều kiện HS vẫn chưa thể đến trường học trực tiếp được, có thể tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến. HS học đến đâu thì kiểm tra đến đấy. Cách tổ chức kiểm tra cũng không nên quá nặng nề, căng thẳng".
“Hiện nay, HS khối lớp 1-2 vẫn đang học trực tuyến, nếu kiểm tra theo hình thức trực tuyến vẫn có thể triển khai được vì đây là điều kiện bất khả kháng. Để có thể đảm bảo độ tin cậy trong kiểm tra, đánh giá thì có thể chia nhỏ số HS của mỗi lớp. Hoặc GV có thể gọi video với một nhóm nhỏ HS nào đó để có thể kiểm tra mức độ nắm bắt kiến thức, kỹ năng của các em” – cán bộ quản lý của một Phòng GD&ĐT Đà Nẵng đề xuất.