Học sinh hoàn thành bài kiểm tra tại nhà
Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, tùy theo điều kiện thực tế, các trường Tiểu học xây dựng lịch kiểm tra, hoàn thành trước ngày 18/5
Về hình thức kiểm tra:
Hiệu trưởng chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra cuối năm học; chỉ đạo các tổ chuyên môn ra đề kiểm tra các môn học theo quy định, lưu ý không kiểm tra các nội dung đã được giảm tải.
Nhà trường in, sao đề kiểm tra, tập hợp đề của các môn (mỗi học sinh 01 tập đề các môn kiểm tra) theo từng lớp để gởi đến phụ huynh học sinh; thông báo lịch để phụ huynh nhận đề và nộp bài làm của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm các lớp liên hệ, thống nhất với phụ huynh học sinh về cách thức nhận đề, nộp bài làm của học sinh.
Phụ huynh có thể nhận đề tại trường hoặc giáo viên chuyển đề qua internet để phụ huynh tự in đề cho học sinh làm bài. Phụ huynh nộp lại bài làm của học sinh tại trường theo lịch hoặc chụp ảnh bài làm của học sinh gửi giáo viên.
Hiệu trưởng chỉ đạo, quy định cụ thể lịch giao đề và nhận bài làm của học sinh từng khối lớp, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: "Các trường, giáo viên chủ nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ đến phụ huynh và học sinh về quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Đánh giá học sinh là cả quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; trong đó đánh giá thường xuyên là quan trọng, bài kiểm tra định kì chỉ là một điều kiện, không quyết định hoàn toàn việc đánh giá cuối năm đối với học sinh.
Trong khi kiểm tra tại nhà, học sinh phải tự giác, nghiêm túc tự làm bài, không có sự tham gia của cha mẹ, anh chị, người thân hoặc bạn bè. Nếu kết quả bài kiểm tra bất thường so với quá trình đánh giá thường xuyên thì giáo viên đề xuất với nhà trường cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh. Hiệu trưởng nhà trường và giáo viên chịu trách nhiệm về đánh giá kết quả giáo dục học sinh".
Ông Thành lưu ý, những nội dung trên cần được in và gắn làm trang đầu tập đề kiểm tra của học sinh để phụ huynh và học sinh hiểu rõ, nghiêm túc thực hiện.
Không phải trực tuyến cũng không phải trực tiếp
Sau khi Sở GĐ&ĐT Đà Nẵng có văn bản hướng dẫn, một số CBQL GD ở bậc Tiểu học đã không đồng tình với cách tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối năm như trên.
"Văn bản này không dựa trên mong muốn của các trường cũng không dựa trên thực tế của xã hội. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, HS đang tạm dừng đến trường để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì ở bậc Tiểu học, không nên tổ chức kiểm tra đánh giá thì hơn. Đây chỉ là bài kiểm tra để xét lên lớp cho HS trong cùng một cấp học thì không cần phải quá cập rập như vậy. Chúng ta không thể loại trừ khả năng GV đang chấm bài của phụ huynh HS chứ không phải là bài kiểm tra của các em.
Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, nếu được, nên trao cho các trường quyền chủ động trong tổ chức kiểm tra đánh giá. Theo đó, nhà trường cùng với GV chủ nhiệm, phụ huynh HS sẽ cùng hoàn thành đánh giá HS theo đánh giá thường xuyên. " - Hiệu trưởng một trường Tiểu học bày tỏ.
Theo vị này, nếu kết quả bài làm của HS tại nhà đạt, nhưng kết quả đánh giá thường xuyên của em không đạt thì HS vẫn được lên lớp. "Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập những năm sau đó của HS nếu không nhận được sự kèm cặp, hỗ trợ của cả GV và phụ huynh trong quá trình học tập".
Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, vì tình hình dịch COVID-19, việc kiểm tra cuối năm học ở lớp 5 không có sự tham gia của giáo viên trường THCS nên hiệu trưởng các trường tiểu học chịu trách nhiệm về chất lượng của học sinh khi bàn giao chất lượng giáo dục học sinh hoàn thành chương trình tiểu học cho trường. Các trường chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kết thúc năm học, thông tin đến phụ huynh, khen thưởng, bàn giao chất lượng học sinh… phù hợp điều kiện thực tiễn, đảm bảo các quy định