Ngày 24/9, TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, công bố chiến lược phòng chống dịch Covid-19 và kế hoạch khôi phục kinh tế giai đoạn tới. Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp mong muốn Đà Nẵng sớm ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, tạo điều kiện để người lao động được ra, vào thành phố.
Kiến nghị bỏ “3 tại chỗ”
Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phúc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng, cho hay, mô hình “3 tại chỗ” cũng như các biện pháp hạn chế đi lại như hiện nay không bền vững trong thời gian tới.
Hiện tại, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng đang thực hiện “3 tại chỗ” với gần 1.000 nhân viên tại 6 nhà máy để hỗ trợ các hoạt động sản xuất. Dù đã đáp ứng rất nhiều điều kiện cho người lao động nhưng việc sống xa nhà nhiều tháng qua đã ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, tâm lý của người lao động.
Theo dự báo của đại diện công ty, từ đây đến cuối năm, công ty sẽ phải chi ra 100 tỷ đồng nếu duy trì thực hiện phương án 3 tại chỗ.
Ngoài ra, chuỗi công việc tại Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng ngoài kỹ sư làm việc trực tiếp thì có một công đoạn về vệ sinh và phải thuê công ty bên ngoài. Công ty này nằm ngoài khu công nghiệp, suốt tuần nay không thể xin giấy đi đường để đến nhà máy làm việc dù đã nộp đơn đến 3 cơ quan. Bộ phận này không vào làm việc được thì toàn bộ công đoạn tại nhà máy sẽ bị ách tắc.
“Tôi kiến nghị bỏ “3 tại chỗ” trong thời gian tới, để doanh nghiệp tự triển khai các biện pháp, mô hình sản xuất của mình nếu đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Chính phủ. Trong tình hình mới, công ty bắt đầu nhận thấy một số cơ hội và dấu hiệu phục hồi nhưng không thể làm được do việc hạn chế đi lại”, ông Phúc chia sẻ.
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng, thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp là sự gián đoạn đáng kể trong sự phân phối sản phẩm đến khách hàng. Chủ yếu là do các cơ quan, ban, ngành không có sự rõ ràng nhất quán trong cách giải thích hàng hóa thiết yếu.
Mặc dù, Chính phủ đã có sự giải thích khá rõ về vấn đề này nhưng các doanh nghiệp vẫn bị chặn lại khi phân phối sản phẩm của mình. Doanh nghiệp gặp khó khi phải chờ đợi đến 1 tuần để xin cấp QR Code từ một cơ quan được giao nhiệm vụ cấp mã QR Code cho phương tiện làm nhiệm vụ lưu thông đưa hàng hóa của mình đến siêu thị, hàng hóa được phép hoạt động.
“Kiến nghị của chúng tôi là cho phép di chuyển lưu thông tất cả hàng hóa, trừ hàng hóa cấm. Với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định”, ông Phúc nói.
Đồng quan điểm này, ông Dương Tiến Lâm - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam – TP Đà Nẵng cũng cho rằng, việc xin phép ra vào thành phố rất phức tạp.
Công văn mới Sở Y tế ban hành về việc hướng dẫn đi lại làm doanh nghiệp rất lúng túng khi xin phép ra vào thành phố. Ông Lâm cũng đề nghị thành phố cho phép các doanh nghiệp, cá nhân làm thủ tục ra vào TP qua kênh online để đơn giản thủ tục, tránh chồng chéo các quy định khác.
Còn ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng - cho biết, các doanh nghiệp taxi chưa kịp phục hồi sau dịch năm 2020 thì đợt dịch 2021 ập đến, giáng thêm đòn chí mạng vào ngành dịch vụ vốn đã khó khăn, đang đứng trên bờ phá sản. Hàng nghìn xe taxi nằm bãi hơn 4 tháng nay, muốn hoạt động lại mỗi xe phải bảo dưỡng, thay thế rất nhiều tiền.
Theo ông Hiền, đặc thù của ngành vận tải taxi ngoài hoạt động tại địa bàn là hoạt động liên tỉnh theo yêu cầu vận chuyển của khách hàng. Trong khi đó, vấn đề ra vào thành phố hiện nay rất khó khăn. Phía Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đề nghị TP Đà Nẵng có chính sách mở cửa giao thương với các tỉnh lân cận vì thực tế nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động liên tỉnh, liên vùng, không chỉ riêng tại Đà Nẵng.
Cam kết không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau
Liên quan đến những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết, TP xác định “sức khỏe” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế. Đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng, vì đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển.
“Cũng giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng”, ông Chinh khẳng định.
Cũng theo các nhà chức trách, trong thời gian tới, thành phố Đà Năng sẽ xây dựng các phương án phòng, chống dịch một cách cụ thể để doanh nghiệp nắm được. Vừa xây dựng phương án phòng chống dịch, vừa đáp ứng các điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế.
Trong đó phải đáp ứng theo 5 yêu cầu như: Phải duy trì được xét nghiệm, tầm soát; Đảm bảo truy vết, xử lý, khoanh vùng nhanh nhất khi có F0; Đảm bảo năng lực điều trị cho F0; Đảm bảo bao phủ vắc-xin toàn dân và đảm bảo điều kiện phòng chống dịch ở nơi có nguy cơ như chợ, KCN, bến cảng…
“Thành phố sẽ sớm ban hành quy định phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Quan điểm của thành phố là đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu, nhiều lúc phải chấp nhận thiệt hại kinh tế”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thành phố dự kiến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội theo cấp độ 2 (tương đương với Chỉ thị 19 của Thủ tướng) từ ngày 1/10 đến 15/10 để đảm bảo đủ thời gian tạo kháng thể sau tiêm mũi vắc-xin 1. Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn so với dự kiến của ngành Y tế, tùy vào đánh giá mức độ nguy cơ, thành phố sẽ chuyển sang áp dụng trạng thái phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn.