Đà Nẵng: 475 chủ nhà hưởng ứng phong trào “Giảm tiền trọ”

GD&TĐ - Để hỗ trợ người lao động vượt qua mùa dịch, 475 chủ nhà với hơn 2.800 phòng trọ ở quận Liên Chiểu đã giảm giá hoặc cho ở miễn phí.

Ngoài giảm tiền thuê trọ, nhiều chủ trọ đã bỏ tiền ra mua lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài giảm tiền thuê trọ, nhiều chủ trọ đã bỏ tiền ra mua lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Thậm chí, họ còn “móc hầu bao” mua lương thực gửi đến những công nhân, người lao động nghèo…

Phá thế bủa vây cứu lao động nghèo

Trong căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 20m2 tại số 108 Đồng Kè (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) là nơi trú ngụ của gia đình anh Châu Tấn Trường (30 tuổi).

Anh Trường chia sẻ, anh làm thợ sơn, công việc khá ít nên thu nhập không nhiều. Do dịch bệnh Covid-19, 2 tháng qua, thành phố siết chặt chống dịch, các công trình tạm dừng nên công việc của anh cũng bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, chị Hoàng Thị Minh (26 tuổi), vợ anh Trường, là giáo viên một trường mầm non tư thục cũng đã nghỉ từ lâu.

Thất nghiệp gần 2 tháng khiến cuộc sống của vợ chồng anh Trường và chị Minh khó khăn trăm bề. Các chi phí vẫn phải trả hằng tháng trong đó, tiền thuê nhà đối với gia đình anh lúc này cũng trở thành một gánh nặng đáng kể với 1 triệu đồng/tháng. Không những thế, khi TP Đà Nẵng áp dụng “ai ở đâu ở yên đó”, các thành viên đều ở nhà, mọi chi phí sinh hoạt cứ thế mà tăng lên...

Cùng chung dãy trọ với anh Trường, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Quỳnh Nhi (25 tuổi, nhân viên công ty lữ hành) cũng không khấm khá hơn là mấy. “Covid-19 kéo dài 2 năm cũng là chừng đó thời gian chật vật với tôi. Ngành Du lịch thì bị đóng băng. Tôi phải đi làm thêm việc khác để kiếm thu nhập. Nhưng tiền lương cũng không cao. Nên tiền cũng còn nợ cô chủ trọ 2 tháng chưa trả được”, chị Nhi tâm sự.

Rơi vào cảnh tương tự, 2 tháng qua, gia đình chị Đặng Như Ngọc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) tất bật vay mượn nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Chồng chị Ngọc là thợ hàn, mất việc đã lâu không có thu nhập.

Đứa con trai chuẩn bị vào lớp 1 cần phải sắm dụng cụ học tập và cả smartphone để học online. Đồng lương công nhân có hạn của chị Ngọc không đủ trang trải cho gia đình 3 miệng ăn, chưa kể tiền thuê trọ 1,5 triệu nợ 2 tháng chưa có khả năng chi trả.

Không chỉ gia đình anh Trường, chị Nhi…, trước tình hình dịch bệnh, người lao động phải đối mặt với việc giảm thu nhập, thậm chí có trường hợp rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Cuộc sống mưu sinh của người lao động trước giờ vốn đã vất vả, dịch bệnh bùng phát khiến họ trở nên khó khăn hơn. Những nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền luôn bủa vây họ trong cuộc sống ngày dịch.

“Sẻ cơm” dìu nhau qua cơn bĩ cực

Đối với công nhân lao động, dù thu nhập từ việc đi làm ở công ty có giảm nhưng dù sao cũng còn nguồn để chi tiêu, bởi họ còn có công việc trong mùa dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều người lao động, nguồn thu nhập thời vụ vốn đã bấp bênh nay cũng đứt gánh vì dịch bệnh. Vì vậy, khoản tiền trả phòng trọ cũng trở thành nguồn chi phí khổng lồ khó có thể chi trả.

Có dãy trọ 50 phòng cho công nhân và người lao động thuê, bà Vũ Thị Nhu (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho hay, có hơn 40 hộ gia đình đang sinh sống. Hầu hết đều gặp khó trong đợt dịch lần này.

Chính vì vậy, ngay từ tháng 7/2021, bà Nhu quyết định giảm 25% tiền thuê trọ cho mọi người. Với những lao động về quê tránh dịch, bà Nhu thống nhất chia sẻ 50% tiền thuê để giữ phòng. Nhiều gia đình quá khó khăn bà giảm hẳn tiền thuê phòng.

“Tôi đã nắm hết danh sách các phòng, tháng đến sẽ trích tiền hỗ trợ mua gạo, dầu, mắm hỗ trợ cho bà con thuê trọ. Mình liên hệ trực tiếp được với đại lý sẽ mua được nhiều lương thực, giá rẻ hơn so với các hộ tự cầm tiền đi mua. Nhiều hộ gia đình tôi giảm hẳn tiền trọ. Giúp nhau vì cái tình, mong mọi người khỏe mạnh để vượt qua đại dịch”, bà Nhu chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ nhà trọ tại tổ 7 (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, từ tháng 5/2021 đã giảm tiền thuê trọ từ 200.000 đến 700.000 đồng/phòng nhằm hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng với người lao động hoàn cảnh khó khăn.

“Mình cho thuê trọ lâu dài, bây giờ giảm bớt một ít thu nhập cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều. Thôi thì chia sẻ cùng nhau để vượt qua khó khăn lúc này”, anh Tùng tâm sự.

Hơn 1 năm qua, kể từ khi Covid-19 bùng phát, ông Phạm Công Khanh (75 tuổi, trú tổ 65, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đều đặn giảm 10% - 20% tiền thuê trọ hằng tháng hỗ trợ cho công nhân, người lao động. Với 8 phòng trọ, ông Khanh có thể thu về hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng, nhìn thấy cảnh người thuê khó khăn ông đã chủ động giảm tiền trọ.

“Người thuê cũng là người nuôi mình, nên giảm tiền trọ là điều cần thiết trong lúc dịch khiến nhiều người khó khăn. Giúp được chừng nào tôi sẽ giúp, mong sao người dân đỡ bớt khó khăn”, ông Khanh nói.

Theo UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), phường đã vận động 475 chủ nhà trọ với hơn 2.800 phòng giảm giá thuê cho công nhân, sinh viên với tổng số tiền gần 1,2 tỉ đồng. Lãnh đạo UBND phường cho hay, nhiều chủ trọ đã giảm 100% tiền phòng và chỉ thu tiền điện, nước.

Thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, vừa qua, chỉ sau 4 ngày phát động phong trào “Giảm tiền trọ” do dịch Covid-19, các chủ trọ tại Đà Nẵng đã giảm cho người thuê với tổng số tiền hơn 5,2 tỉ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ