Đã khuyết trong mây một cây đại thụ

GD&TĐ - Cây đại thụ dòng tranh thủy mặc, họa sĩ Trương Hán Minh qua đời đã để lại một khoảng trống khó có thể khỏa lấp trong dòng tranh thủy mặc Việt Nam.

Họa sĩ Trương Hán Minh không giấu nghề mà đã thỉnh giảng tại nhiều trường đại học về nghệ thuật thủy mặc.
Họa sĩ Trương Hán Minh không giấu nghề mà đã thỉnh giảng tại nhiều trường đại học về nghệ thuật thủy mặc.

Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh - đánh giá tranh Trương Hán Minh có những nét vẽ xuất thần. Ông cho biết từng mong được cùng họa sĩ xây dựng bảo tàng tranh thủy mặc để trưng bày hàng nghìn tác phẩm ông lưu giữ trong kho, nhưng tiếc là ý tưởng chưa thành hiện thực.

Nghệ thuật là để yêu thương

Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, nghệ nhân nhân dân – họa sĩ Trương Hán Minh qua đời ở tuổi 70. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống lớn trong giới mỹ thuật phương Nam nói chung, và giới nghệ thuật tranh thủy mặc nói riêng.

Họa sĩ Trương Hán Minh sinh năm 1951 tại Chợ Lớn - Sài Gòn, trong gia đình có nhiều đời theo nghề vẽ. Từ nhỏ Trương Hán Minh đã rất yêu thích hội họa, bộc lộ năng khiếu rất sớm qua những nét vẽ. Hết tiểu học, Trương Hán Minh may mắn được thọ giáo họa sĩ Lương Thiếu Hằng thuộc họa phái Lĩnh Nam, Hiệu trưởng Trường tư thục Nghệ thuật Đông Phương.

Ông bắt đầu sự nghiệp mỹ thuật và thư pháp từ năm 1970, từng làm chủ nhiệm khoa Mỹ thuật một số trường và giảng dạy mỹ thuật từ trước 1975. Sẵn có tố chất lại chuyên cần học hỏi, không ngừng tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu tỉ mỉ đối tượng miêu tả trước khi đặt bút vẽ, thế nên tranh của ông ngày càng nổi tiếng, và trở thành tên tuổi lớn trong giới họa sĩ thủy mặc Việt Nam.

Giới mỹ thuật nói rằng, tranh thủy mặc của Trương Hán Minh là một nghệ thuật tổng hợp từ sự vận dụng nét bút đầy khổ luyện với nguồn cảm hứng sâu sắc từ thiên nhiên, đất nước Việt Nam.

Trương Hán Minh cũng nổi tiếng hào hiệp khi vẽ tranh để giúp đỡ người nghèo. Ông cho rằng, cái đích cuối cùng của nghệ thuật là vì con người và để yêu thương. Bởi vậy từ năm 1977 đến năm 2013, ước tính khoảng trên 200 tác phẩm thủy mặc được ông tổ chức bán đấu giá hỗ trợ người nghèo. Năm 2013, ông được công nhận Kỷ lục Việt Nam và châu Á là họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất.

Năm 2014, họa sĩ Trương Hán Minh từng gây chú ý khi tại buổi đấu giá vì người nghèo, ông đã ứng tác trực tiếp vẽ bức tranh “Hân hân hướng vinh”. Tác phẩm sau đó được bán với giá 108 triệu đồng, góp vào số tiền đấu giá hai bức tranh khác của ông, nâng tổng số tiền thu được trong sự kiện này gần 500 triệu đồng.

Với sở trường vẽ hoa điểu, sơn thủy và phong cảnh các vùng miền, họa sĩ Trương Hán Minh từng in dấu chân thực tế điền dã khắp nhiều vùng trong cả nước.

Ông đi rất nhiều từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Ba Vì, Tam Đảo, Hạ Long đến Gành Hào, Sóc Trăng, Châu Đốc… để thu vào tầm mắt cảnh vật đẹp rồi chuyển thể vào tranh. Ngoài những cuộc triển lãm trong nước, ông từng triển lãm tranh thủy mặc tại một số quốc gia như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…

Cảnh mây phủ trên núi mà họa sĩ Trương Hán Minh thể hiện khiến người xem mê mẩn.

Cảnh mây phủ trên núi mà họa sĩ Trương Hán Minh thể hiện khiến người xem mê mẩn.

Bí quyết tranh thủy mặc

Họa sĩ Trương Hán Minh từng nói: “Tranh của tôi thực ra rất đơn giản vì tôi dùng bút pháp giống như thư pháp. Đây là thứ bút pháp gọn gàng không có tái bút và sửa chữa, hạ bút xuống là vẽ xong. Tôi chẳng có tuyệt chiêu gì, chỉ do chăm chỉ nên thuần thục”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, chủ đề chiếm số lượng lớn trong các tác phẩm của Trương Hán Minh là tranh phong cảnh quê hương, sơn thủy hữu tình Việt Nam. Ông vẽ từ ruộng bậc thang đến rừng đước, từ hồ Gươm đến phố cổ Hội An.

Tranh thủy mặc của Trương Hán Minh được giới hội họa đánh giá không cầu kỳ mà trang nhã, hàm súc, đậm triết lý nhân sinh với hình ảnh chim bay, bướm lượn, cá lội, muôn hoa khoe sắc. Ông cũng là người tiên phong vẽ tranh thủy mặc minh họa thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xem tranh của ông, nhiều người mê mẩn khó dứt ra khỏi bởi lối điểm bút mây trên núi, khói sương phủ rừng cây. Họa sĩ quan niệm, tranh thủy mặc phải chú trọng năm thứ: Bút, mực, hình, thần và màu.

Ông từng nói rằng, hình là cái cốt để gửi ý, thần là cái chủ yếu làm cho tranh sống động. Màu là chỉ trong một nét mực đen nhưng nếu là cao thủ thì phải thể hiện được 7 màu.

Cùng là bút lông làm từ lông ngựa, dê, chó sói… nhưng phải biết vẽ hoa cần bút gì, vẽ sơn thủy dùng bút nào cho hợp. Hình là cái cốt để gửi ý, trước khi hạ bút phải biết mình vẽ cái gì, gửi gắm điều gì. Mực của tranh thủy mặc là mực nho mài, không sửa được, chỉ trong một nét mực đen, cao thủ phải thể hiện được bảy màu.

Giấy vẽ tranh thủy mặc là loại giấy xuyến chỉ rất mỏng, dễ rách, dễ thấm nên người vẽ phải làm chủ được đặc tính này, khống chế được mực và làm chủ nó.

Ví như vẽ cây trúc, phải lợi dụng vào đặc tính dễ lem, dễ chảy đó để biết dừng đúng nhịp, đúng khoảnh khắc để thể hiện thần thái cây trúc. Cái đặc biệt của tranh thủy mặc còn thể hiện ở kỹ thuật bồi tranh, phải dùng giấy lót phía sau rồi mới bo lụa.

Học là vô tận cảnh. Nghề vẽ tranh thủy mặc ít nhất phải có thâm niên. Người nào muốn vẽ bức tranh có hồn, ngoài hoa tay, sự thông minh còn phải có kinh nghiệm và yêu nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ