Vẫn chọn hồn cốt Trung Hoa
Họa sĩ Lý Tùng Niên đang viết thư pháp
Theo tự bạch của họa sĩ Lý Tùng Niên thì ông sinh tại Hạc Sơn, Quảng Đông (Trung Quốc) nhưng theo cha mẹ sang Sài Gòn - Chợ Lớn sinh sống định cư từ năm lên 7 tuổi.
Ông được trời phú về năng khiếu vẽ nên ngay từ nhỏ đã được cha mẹ cho theo học hội họa của phương Tây. Dù học, dấn thân đeo đuổi nền hội họa phương Tây hiện đại, song trong lòng ông luôn đau đáu trăn trở về nền hội họa truyền thống Trung Hoa, đặc biệt là dòng tranh thủy mặc phái Lĩnh Nam.
Năm 1961 (đúng vào cái tuổi “tam thập nhi lập”), sau nhiều năm tìm tòi sáng tạo và bắt đầu gặt hái được một ít thành công ở lĩnh vực hội họa theo phong cách phương Tây, họa sĩ trẻ Lý Tùng Niên đã quyết định tìm tới họa sư danh tiếng Lương Thiếu Hàng để thụ giáo. Ông trở thành thế hệ người Hoa thứ hai ở Việt Nam vẽ tranh thủy mặc theo trường phái Lĩnh Nam. Đây là một họa phái cách tân trong hội họa truyền thống Trung Hoa, được hình thành ở Quảng Đông (Trung Quốc) vào cuối đời Thanh, người sáng lập là Cao Kiến Phụ, Cao Kỳ Phong và Trần Thụ Nhân.
Đến với dòng tranh thủy mặc theo trường phái Lĩnh Nam, họa sĩ Lý Tùng Niên như “cá gặp nước” được thỏa thích vung cọ sáng tạo và không chỉ vẽ sơn thủy, hoa lá, chim muông thơ mộng, hữu tình ông còn mạnh dạn đưa cả những đề tài với cuộc sống đương đại rất đời thường, của những thân phận người dân lao động nhọc nhằn vào trong tranh.
Cá tính sáng tạo của ông tạo được dấu ấn sâu đậm trong mỗi tác phẩm hội họa, với đề tài vô cùng phong phú, sinh động, bố cục hài hòa, tự nhiên và đầy biến ảo. Hơn nửa thế kỷ sáng tạo, qua rất nhiều cuộc triển lãm chung và riêng, mỗi tác phẩm của ông đều hấp dẫn cuốn hút người thưởng lãm bởi sự tinh túy, ảo diệu và xuyên suốt là mang đậm hồn cốt của hội họa truyền thống Trung Hoa.
Cá tính trong tranh Lý Tùng Niên
Nói về nghệ thuật tranh thủy mặc nói chung, phái Lĩnh Nam nói riêng, ông nhấn mạnh rằng: “Nghệ thuật không có giới hạn sáng tạo, nhưng phải “vạn biến bất ly tông”, nghĩa là dù biến hóa như thế nào cũng không được thoát ly hồn cốt tranh thủy mặc Trung Hoa truyền thống”. Ông luôn quan niệm, với nghệ thuật mỗi tác phẩm hội họa phải hội đủ “chân, thiện, mỹ” và với nghề phải “kính nghiệp lạc quần”.
Ông lý giải, những sáng tạo hội họa gọi là trường phái này, trường phái nọ chung quy, nôm na cũng chỉ là cách vẽ mang cá tính sáng tạo riêng của mỗi người. Với tranh thủy mặc, người họa sĩ phải biết cách làm sao nắm vững được phương pháp cơ bản trong dùng bút, dùng mực để từ đó có những cách vận dụng riêng của mỗi người. Hơn nữa theo ông, họa sĩ vẽ tranh thủy mặc dù theo trường phái nào thì cũng phải toát lên, đạt được ba yếu tố căn bản đó là “hình, thần, ý” và khi vẽ cũng giống như người tu tâm, dưỡng tính vậy.
Những bức tranh thủy mặc theo phái Lĩnh Nam của họa sĩ Lý Tùng Niên |
Ngoài đam mê sáng tác, ông còn là một trong những thành viên rất tích cực tham gia giảng dạy đào tạo đội ngũ họa sĩ người Hoa kế thừa dòng tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam tại Câu lạc bộ Mỹ thuật quận 5 và Hội quán Tuệ Thành (Chợ Lớn, TPHCM).
Đặc biệt là ông và một số đồng nghiệp của mình đã khởi xướng thành lập ra Nam Tú Nghệ Uyển để mở các lớp dạy thư pháp và hội họa. Nhiều thế hệ học trò người Hoa vì ngưỡng mộ tài năng, đức độ của ông mà tìm tới tận nhà thụ giáo và không ít người đã trở thành những họa sĩ tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam nổi tiếng, trong số ấy có người bạn đời của ông là nữ họa sĩ Diệc Ánh Nga.
Theo đánh giá của giới mỹ thuật TPHCM nói chung, người Hoa nói riêng, họa sĩ Lý Tùng Niên thực sự là một trụ cột về dòng tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam ở Việt Nam hiện nay. Những cống hiến của ông trong sáng tạo, gìn giữ bảo tồn cũng như trong đào tạo các thế hệ họa sĩ kế thừa về dòng tranh thủy mặc trường phái Lĩnh Nam đã được Hội Nghệ thuật dân gian Việt Nam ghi nhận, trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và trở thành họa sĩ tranh thủy mặc đầu tiên nhận được danh hiệu này.
Không chỉ gặt hái thành công, nổi danh ở lĩnh vực hội họa bằng những đóng góp nổi bật về dòng tranh thủy mặc phái Lĩnh Nam, ông còn là một trong những thư gia tiêu biểu trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam với sở trường thảo thư và hành thư.
Hiện nay tuy đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm” nhưng mỗi khi xuân về, Tết đến đúng vào ngày 23 tháng Chạp, ông lại cùng với nhiều thư pháp gia trong cộng đồng người Hoa ở TPHCM tham gia chương trình “Thư pháp từ thiện”, nhằm vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, “mạnh thường quân” cùng chung tay quyên góp ủng hộ quỹ giúp bà con nghèo ăn Tết.