Thác Khe Vằn: Bức tranh thủy mặc giữa núi rừng biên giới

GD&TĐ - Cách thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 100 km và cách trung tâm thị trấn Bình Liêu khoảng 12 km về hướng Đông Nam, thác Khe Vằn hiện lên như một bức tranh thủy mặc giữa núi rừng vùng biên.

Thác Khe Vằn, điểm dừng chân lý tưởng.
Thác Khe Vằn, điểm dừng chân lý tưởng.

Vẻ đẹp hoang sơ

Khí hậu của Bình Liêu có phần khác xa với các huyện, thị, thành khác của Quảng Ninh. Mùa hè, thời tiết khá mát mẻ nên Bình Liêu đôi khi còn được ví von như một Sa Pa thu nhỏ của Quảng Ninh, mùa đông nhiệt độ xuống khá thấp, không kém gì các vùng vốn nổi tiếng về lạnh như Mẫu Sơn hay Sa Pa.

Bình Liêu giáp biên giới Trung Quốc. Núi non trùng điệp, cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ nhiều năm trở lại đây huyện Bình Liêu là điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa khám phá, đặc biệt là những bạn trẻ đam mê xê dịch.

Những cảnh sắc thiên tạo có phần nguyên sơ như: Thác Khe Tiên, Sống lưng Khủng long, sông Moóc, núi Cao Xiêm, núi Cao Ly... Bình Liêu mê hoặc lòng người, níu chân du khách. Với những du khách ưa du lịch phượt thì Bình Liêu là một điểm đến lý tưởng.

Trong bức tranh hùng vĩ của núi rừng vùng biên, thác Khe Vằn hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ, mát lành. Thác bắt nguồn từ dãy núi Khe Vằn - Thông Châu với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Thác kì vĩ với 3 tầng nước chảy.

Ở độ cao khoảng 100 mét, nước đổ xuống trắng xóa giữa cỏ cây xanh mướt của núi rừng. Hai bên thác là vách đá phủ rêu. Vào mùa mưa, các dòng thác tung bọt trắng tạo thành các hồ nước nhỏ trong vắt dưới chân thác. Nằm trong rừng phòng hộ nguyên sơ, thảm thực vật phong phú, thác Khe Vằn mang đến cho khách tham quan một cảm giác thư thái, bình an.

Anh Lý A Sùng, người dân địa phương chia sẻ, trước kia người dân nơi đây gọi thác này là Khe Vân, dần dần, tên thác được các thế hệ sau đọc chệch đi là Khe Vằn. Vào mùa mưa, nước nhiều, ba tầng nước chảy rì rào, tung bọt trắng xóa. Không kể ngày hay đêm, thác như đang hát bản hùng ca của núi rừng.

Ba tầng thác, mỗi tầng mang một hình thế, một dáng vẻ khác nhau. Tầng thứ nhất là dòng nước lớn, trắng xóa chảy từ các vách núi cao xuống tạo thành một hồ nước rộng.

Cùng với cỏ cây, nước hồ trở nên trong xanh. Đứng quay mặt vào thác, đưa mắt nhìn lên góc phải, một quần thể đá, góc cạnh hiện lên sừng sững tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Tầng thứ hai khi nước chảy từ trên cao đổ xuống, gặp đá tạo thành nhiều tầng nước tung ra những bọt nước trắng xóa. Chân thác Khe Vằn có những hòn đá khổng lồ và bằng phẳng là không gian nghỉ ngơi, “check in” lý tưởng của khách thăm. 

Tầng thứ ba là dòng nước chảy từ tầng hai xuống và đổ ra suối. Nếu quan sát kỹ, giữa các tảng đá dưới chân thác, có một hòn đá to gồng lên giống con voi đang phủ phục. Các khối đá khác nhấp nhô giữa vùng nước trong xanh, tạo nên bức tranh thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú.

Từ thác Khe Vằn, dòng nước đổ vào suối Pắc Hoóc rồi từ đó chảy ra sông Tiên Yên. Vì thế, có thể coi Khe Vằn như là thượng nguồn của sông Tiên Yên.

Nơi trao duyên của các đôi trai gái

Theo chia sẻ của người dân xã Húc Động, với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, thác Khe Vằn từng là nơi trai gái người Sán Chỉ hẹn hò, hát đối Soóng Cọ. Cụ Lý Sơn, người xã Húc Động cho hay, những năm 60 của thế kỷ trước, thác Khe Vằn từng là nơi con trai, con gái người Sán Chỉ giao lưu hát đối. 

Các cuộc hát này thường được tổ chức vào chung tuần tháng 3 âm lịch hàng năm. Về sau người dân còn tổ chức thành lễ hội, lấy tên là Hội hát tháng Ba. Và mỗi dịp đến hội không chỉ người Sán Chỉ ở Húc Động, mà còn thu hút đông đảo cả nam, nữ dân tộc Sán Chỉ của xã Đại Dực (Tiên Yên) và các vùng lân cận tìm đến giao lưu, tìm duyên. Tại thác Khe Vằn, ngày ấy không ít đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng.

Cùng đoàn tham quan dừng chân tại thác Khe Vằn, bạn Nguyễn Hữu Duyên, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Đến với Bình Liêu nếu chỉ ngồi trên ô tô nhìn qua cửa kính mà ngắm cảnh thì quả là có lỗi với bản thân, với thiên nhiên, tạo vật. Bình Liêu nhẹ nhàng, quyến rũ, mênh mang, trùng điệp nên phải đi tận nơi, ngắm tận mắt và “mục sở thị” từng thắng cảnh mới “thấu” được vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây.

Đến thác Khe Vằn mà không đi bộ 500m để vào tận thác, xắn quần lội chân trần dưới làn nước trong vắt, mát lạnh trên những phiến đá lô nhô để phóng tầm mắt lên cái thác nước khổng lồ, trắng xóa ấy thì quả là tiếc nuối. Vẻ đẹp của thiên nhiên huyện Bình Liêu là vẻ đẹp yên bình của núi rừng, vì thế giữa cái ồn ào, náo nhiệt của thành thị, mỗi năm Duyên và các bạn lại tìm về Bình Liêu, nơi mà các bạn trẻ gọi là miền đất hứa.

Chị Nguyễn Thị Hằng (người Hải Phòng) cho hay, lần đầu tiên đi du lịch phượt cùng các bạn và chọn Bình Liêu bởi vẻ đẹp từ những sườn núi uốn quanh, những con sông phẳng lặng yên bình và cánh đồng lúa bậc thang vàng ruộm. Sau chặng đường dài với những điểm tham quan lý tưởng, điểm dừng chân của đoàn là thác Khe Vằn.

Hòa mình vào vẻ đẹp rừng núi, cùng úp mặt vào dòng nước suối mát lạnh và ngồi trên những phiến đá thưởng thức dư vị ngọt ngào của cuộc sống thật tuyệt.

Với những vẻ đẹp thiên tạo, Bình Liêu đang dần chuyển hướng phát triển du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng dân tộc. Chị Hằng cùng như các bạn trẻ khác mong muốn lần sau đến với thác Khe Vằn sẽ được thưởng thức các điệu hát Soóng Cọ, được cùng người dân địa phương giao lưu, tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ