Đã đến lúc trả lại cho học sinh sự “bình thường cũ”

GD&TĐ - Được đến trường học tập, vui chơi là ước ao của học sinh, sự mong mỏi của hầu hết các giáo viên và phụ huynh. Khi các điều kiện an toàn được bảo đảm, chúng ta cần nỗ lực trả lại cho trẻ sự “bình thường cũ”.

Cô Quách Thị Phương Thanh trao thưởng học kỳ 1 cho từng nhóm nhỏ học sinh, giúp các em dịu đi nỗi nhớ bảng đen phấn trắng.
Cô Quách Thị Phương Thanh trao thưởng học kỳ 1 cho từng nhóm nhỏ học sinh, giúp các em dịu đi nỗi nhớ bảng đen phấn trắng.

Nhiều thử thách đã bộc lộ qua học online

Thời gian qua, khi học sinh phải học online, rất nhiều thử thách đã bộc lộ. Đầu tiên là nền tảng công nghệ của nhà trường, gia đình. Tiếp đến, không phải giáo viên nào cũng đủ năng lực, kỹ năng dạy trực tuyến. Về phía học sinh, các con cũng chưa được cung cấp nền tảng để tiếp thu một cách thuận lợi, hào hứng nhất.

Kể về chuyện học trực tuyến của con gái học lớp 4, nhà văn – nhà báo Lữ Mai cho biết: "Khi vừa bước vào năm học mới, tôi từng chứng kiến con mình tắt camera để lướt mạng chơi trò chơi, tắt mic khi cô đặt câu hỏi mà chưa chú ý lắng nghe, chưa trả lời được... Tôi đã thực sự hoang mang và đặt ra câu hỏi: Phụ huynh sẽ phải làm gì để con có được chút ít kiến thức từ việc học qua chiếc màn hình máy tính, trong góc học tập nhỏ hẹp này?

“Chỉ cần liệt kê sơ qua đã có thể nhận thấy, một việc đơn giản như học tập của một đứa trẻ, giờ đây đòi hỏi sự dày công của cả thầy cô và cha mẹ, trong khi chưa chắc lượng kiến thức con thu nạp được thế nào. Đó là chưa kể đến các vấn đề về sức khoẻ thể chất, tâm lý phát sinh khi thời gian phải học online kéo quá dài” – nhà văn Lữ Mai băn khoăn.

Chúng tôi áp dụng các biện pháp kiểm soát, nâng cao thiết bị khi trẻ học online. Thường xuyên trao đổi với cô giáo các vấn đề phát sinh cần giải quyết. Chia sẻ nhiều hơn với con cái về những khó khăn trẻ gặp phải trong quá trình học và thực hành bài tập. Có một số yếu tố, tưởng chừng là phụ nhưng chúng tôi luôn cố gắng chu đáo để cô giáo và nhà trường không gặp trở ngại, đó là: Tạo không gian học tập thu hút cho con; chụp ảnh, quay video một cách chỉn chu, cẩn thận; chia sẻ trong giới hạn phù hợp về hoàn cảnh, khó khăn mà trẻ và gia đình đang gặp phải bởi những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp tới việc học tập của trẻ.

Con tôi đang học lớp 4, cháu may mắn có cô Quách Thị Phương Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A2, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (Ba Đình, Hà Nội) rất tận tình, chu đáo, vững về nghiệp vụ sư phạm. Trong quá trình dạy học trực tuyến, cô có nhiều sáng kiến tạo cảm hứng tốt cho học sinh. Chẳng hạn, các bài giảng của cô khi được trình chiếu lên màn hình ngoài nội dung chuẩn mực còn có hình, video minh họa đặc sắc, sinh động. Trong tiết học cô cho học sinh tham gia các trò chơi đố vui... Hết một tuần, học sinh nào được khen cô đều tạo khung hình ảnh đẹp cùng thành tích của các con để biểu dương trước lớp và đó cũng như một phiếu khen các con có thể lưu giữ.

Họp phụ huynh online của lớp 4A2, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (Ba Đình, Hà Nội.)
Họp phụ huynh online của lớp 4A2, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (Ba Đình, Hà Nội.)

Phụ huynh mong ngày trẻ được đến trường

Cô Quách Thị Phương Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A2, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực chia sẻ: Thực tế học trực tuyến cho thấy, học sinh rất khó có hứng thú học tập, dễ mệt mỏi vì áp lực và nhìn nhiều máy tính. Các em cũng dễ căng thẳng và lo lắng. Mắt và cột sống của trẻ khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực do ngồi lâu hoặc sai tư thế mà không có người chỉnh tư thế ngồi. Cùng đó, việc bị thiếu các hoạt động thể chất, hoạt động tương tác với bạn bè cùng trang lứa hay các thầy cô giáo cũng gây ra nhiều hệ luỵ tới sự phát triển toàn diện của các em....

Bởi những mặt trái của học trực tuyến kéo dài, cô Phương Thanh chia sẻ, hầu hết các phụ huynh trong lớp do cô chủ nhiệm đều mong muốn các con học sinh tiểu học cũng sớm được bảo đảm các điều kiện an toàn để trở lại trường học tập trực tiếp.

Là phụ huynh của 2 con đang học THCS và THPT, cô Phương Thanh bày tỏ phấn khởi với quyết tâm đón học sinh trên 12 tuổi trở lại trường của các cấp lãnh đạo. “Học online đã thực hiện thành công vai trò của mình trong tình huống bất khả kháng, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh và trẻ chưa được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, hiện tại, khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng như các điều kiện chuẩn bị khác đã tốt hơn rất nhiều nên việc mở cửa trường học đón học sinh là điều cần thực hiện sớm, giảm thiểu thiệt thòi cho các em. Bản thân học sinh cũng đã được bồi dưỡng kiến thức và ý thức rất rõ nhiệm vụ phòng chống dịch nên cũng đã sẵn sàng “sống chung với Covid-19” và mong ngày trở lại trường học tập cũng thầy cô và bạn bè” - cô Phương Thanh cho hay.

Với cương vị phụ huynh học sinh, nhà văn - nhà báo Lữ Mai cho rằng: Trẻ em học trực tuyến quá lâu ngoài các vấn đề về an toàn, kiểm soát thiết bị… thì còn dẫn tới tình trạng trẻ bị mất cân bằng, khủng hoảng tâm lý, phản xạ kém, chán học…

Thực tế cho thấy, dù giáo viên có nhiều nỗ lực trong phương pháp giảng dạy và sát sao nền nếp của học sinh hay phụ huynh quan tâm tới con cái nhiều hơn thì vẫn không bù đắp được khoảng trống tâm lý do trẻ không được đến trường đi học, không được vui chơi cùng bạn bè trang lứa, tiếp xúc trực tiếp với cô giáo…

Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều gia đình vắng người, chỉ có một đứa trẻ với màn hình máy tính học online, còn phát sinh thêm những nguy cơ khác ở thế giới mạng mà người lớn khó kiểm soát.

Khi trẻ có biểu hiện chán nản, mệt mỏi vì nhịp sinh hoạt, học tập lặp lại mỗi ngày, giữa bốn bức tường thì những nguy cơ xấu càng dễ tiếp cận, xâm nhập. Bên cạnh đó, có những gia đình trong giai đoạn trẻ học online lại có tâm lý phó mặc cho nhà trường, không hợp tác… dẫn tới sự quá tải từ nhà trường, thầy cô… ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và đặc biệt là tâm lý của trẻ em.

Trong giai đoạn cuộc sống đầy khó khăn này, có những gia đình thực sự hoàn cảnh, bố mẹ bận rộn công việc, đời sống riêng tư của gia đình xáo trộn, khủng hoảng, trẻ nhỏ không sống cùng bố mẹ...

“Gần đây, qua các phương tiện truyền thông, được biết các bộ, ban ngành liên quan và các nhà trường đang rốt ráo chuẩn bị để đưa học sinh từ trên 12 tuổi trở lại trường sau nghỉ Tết nguyên đán, những bậc làm cha mẹ chúng tôi thực sự vui mừng. Mong rằng, học sinh lứa tuổi dưới 12 cũng sẽ sớm được trở lại trường để học tập, vui chơi như trước khi có dịch Covid-19” – nhà văn Lữ Mai bộc bạch.

“Thực hiện trạng thái dạy học trực tuyến, chúng tôi cũng được biết, thầy cô vất vả hơn rất nhiều. Có những thầy cô giáo vào mùa dịch cũng có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn... và có những thầy cô phải đối diện với ốm đau, bệnh tật... nhưng họ luôn vượt qua bằng nghị lực, lòng yêu nghề, yêu trẻ em để hoàn thành tốt công việc.

Có thể đâu đó còn những câu chuyện chưa đẹp, chưa phù hợp... trong môi trường giáo dục, nhưng ở chính giai đoạn này, sự tận tụy và hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo với học sinh dù không đứng trên bục giảng trực tiếp vẫn khiến phụ huynh chúng tôi tin tưởng và nỗ lực để cùng mang đến niềm tin, nền tảng tốt đẹp cho trẻ nhỏ” – nhà văn, nhà báo Lữ Mai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.