Đã đến lúc phải mở cửa trường học
Anh Lê Thanh Tùng, phụ huynh học sinh Trường THCS Mai Dịch (quận Cầu Giấy) cho biết: Khi biết tin con sẽ được đi học trở lại, cả gia đình đều rất mừng. Sau thời gian học trực tuyến kéo dài, có vẻ cháu đã rất muốn đến trường để được gặp lại thầy cô, bạn bè.
Theo anh Tùng, trong những ngày học trực tuyến vừa qua, không chỉ con anh mà bạn bè của cháu đều rất háo hức được đến trường vì từ đầu năm học chưa được gặp nhau, chưa gặp cô giáo chủ nhiệm mới. Cháu học trực tuyến kéo dài khiến gia đình đã khá vất vả, thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt, từ việc nấu cơm sớm cho kịp giờ học đến việc dành thời gian để kèm con học bài. Khi con đi học, các thói quen, nền nếp sinh hoạt sẽ trở về bình thường như trước kia.
Chị Nguyễn Mai Anh - phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) chia sẻ: Trong những ngày đầu học trực tuyến, con cảm bỡ ngỡ vì giờ giấc thay đổi, cách học cũng khác và rất mong sẽ sớm trở lại trường. Tuy nhiên sau một thời gian, con đã quen với cách học này và lại chuyển sang thích học trực tuyến, không thích đi học trực tiếp.
"Việc học trực tuyến đã bộc lộ một số nhược điểm như con tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử, tâm lý không được như trước, ít nói hơn, ngại giao tiếp hơn và mê chơi game hơn. Đã nhiều lần, tôi nhắc nhở con không nên sa đà vào các thiết bị điện tử nhưng không thể làm được vì không thể suốt ngày bên cạnh con. Do đó, việc con sớm được đến trường sẽ giúp bố mẹ giải tỏa mối lo này", chị Mai Anh chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Hồng Hạnh - phụ huynh học sinh Trường THCS Mỗ Lao (quận Hà Đông) cho rằng, để đảm bảo an toàn cho học sinh, các trường học đã phải đóng cửa trong thời gian tương đối dài. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy số ca nhiễm vẫn cao nhưng không còn nguy hiểm như trước, các con cũng đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh.
"Do đó, việc học sinh từ khối 7 đến khối 12 trở lại trường sau Tết Nguyên đán là hoàn toàn hợp lý. Sở GD&ĐT Hà Nội đã có phương án cụ thể, chi tiết, đã diễn tập những tình huống có thể xảy ra để đảm bảo an toàn cho học sinh. Công bằng mà nói thì đến trường có khi còn an toàn hơn ở nhà. Người lớn đã đi làm bình thường thì cũng nên cho trẻ đi học, để cùng thích ứng và sống an toàn với dịch bệnh," chị Hạnh nói.
Giải tỏa tâm lý ngại đi học
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn có những lo lắng trước quyết định cho học sinh trở lại trường sau Tết. Chị Hoàng Thanh Thủy, phụ huynh học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy) bày tỏ lo lắng khi con không được ăn bán trú như trước và bố mẹ khó sắp xếp thời gian để đón con hàng ngày. Thêm vào đó, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, nhất là sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Do đó, chị muốn con học trực tuyến đến hết năm học này.
Cô Trần Mai Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) cho rằng tâm lý ngại đi học trở lại là có, nhưng chỉ là số ít. Đã đến lúc, trường học cần mở cửa trở lại để học sinh được đến trường, được gặp thầy cô, bạn bè, được giáo dục toàn diện, tránh những hệ lụy lâu dài của việc học trực tuyến. Nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để học sinh đến trường an toàn nhất. Khi học sinh đi học trở lại an toàn, những mối lo của phụ huynh chắc chắn sẽ được giải tỏa.
Anh Nguyễn Hữu Tiến - phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) đồng ý với quyết định học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đi học lại sau Tết Nguyên đán của UBND TP Hà Nội nhưng lại cho rằng chắc chắn sẽ có những ý kiến trái chiều, nhiều phụ huynh vẫn lo vì sự an toàn của con. Để giải quyết việc này có thể thực hiện theo hướng tự nguyện, phụ huynh nào đồng thuận thì cho con đi học, phụ huynh chưa yên tâm cứ để con ở nhà học online, nhưng nhà trường hãy mở cửa trở lại.
Anh Tiến cũng đề xuất thành phố sớm cho cả các cấp học khác, nhất là cấp mầm non đi học trở lại trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh. “Hiện nay, do công việc bận rộn nên nhiều gia đình phải nhờ người quen trông giúp hoặc gửi con tại một số lớp học tự phát, và những môi trường này chắc chắn sẽ không an toàn như trường học. Do đó, việc các trường mở cửa trở lại chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh”, anh Tiến nói.
Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, việc học sinh học online ở nhà gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần rất nhiều. Những hệ luỵ của dịch Covid-19 tác động nhiều nếu trẻ ở nhà không có kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, ứng xử với tình huống bất ngờ. Thế nên đưa trẻ sớm trở lại trường cũng là một cách để bảo vệ trẻ. Việc Hà Nội cho học sinh từ khối 7 đến khối 12 tới trường học tập sau Tết Nguyên đán là giải pháp phù hợp để tránh những hệ lụy lâu dài.
Còn theo PGS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ nhiễm Covid-19 của trẻ em trong kỳ đại dịch vừa qua là rất thấp. Khả năng trở nặng ở nhóm tuổi này là cực kỳ thấp. Khi cha mẹ đã trở lại công việc bình thường thì việc việc chăm sóc, theo dõi trẻ sẽ bị hạn chế và không đâu hết, trường học sẽ giúp cho việc chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục kỹ năng xã hội cho các em. Đây là vấn đề quan trọng hơn so với những lo ngại về dịch bệnh.