Đa dạng nguồn lực tài trợ

GD&TĐ - Giáo dục đại học Việt Nam đang chuyển từ tập trung bao cấp sang phân tán và tự chủ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, mức đầu tư cho giáo dục đại học vẫn khiêm tốn, để nâng cao chất lượng đào tạo, tiến tới hội nhập, việc huy động các nguồn lực xã hội để tăng tài chính cho giáo dục là cần thiết, trong đó có nguồn lực tài trợ.

Những năm qua, để tăng nguồn lực tài chính, các cơ sở giáo dục đại học quan tâm đến việc thu hút nguồn tài trợ. Hầu hết các trường đều xây dựng bộ phận quan hệ với doanh nghiệp, website trường đăng trang trọng lời mời tài trợ… Vào đầu mỗi năm học, nhiều trường tiếp nhận hàng tỉ đồng học bổng từ các doanh nghiệp. Nổi bật có Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM được nhiều doanh nghiệp, địa phương tài trợ khoảng 300 tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm lo sinh viên.

Một số Quỹ đặc biệt quan tâm tài trợ cho giáo dục đại học như Bkfun hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ “Vallet - Gặp gỡ Việt Nam”, “Vallet - Fellowship” hỗ trợ học bổng khuyến học, khuyến tài… Từ tài trợ của các cá nhân, doanh nghiệp và xã hội, cơ sở vật chất nhà trường, hoạt động đào tạo được cải thiện, phong trào khởi nghiệp khởi sắc. Đặc biệt, nhờ có nguồn tài trợ, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên giỏi được tạo điều kiện học tập, phát triển tài năng.

Mặc dù đạt được những thành quả đáng ghi nhận nhưng nguồn lực tài trợ hiện vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của cơ sở giáo dục đại học và tiềm lực của xã hội nói chung. Trên thực tế, mức tài trợ cho các trường phần nhiều là nhỏ lẻ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do cơ chế chính sách cho hoạt động tài trợ đại học chưa được hoàn thiện, các quy định về việc miễn giảm thuế cho khoản tài trợ, cho, hiến tặng còn chồng chéo và chưa rõ ràng. Bản thân thương hiệu, uy tín quản trị của các trường chưa đủ tin cậy để nhà tài trợ chung tay, gửi gắm khoản tài chính lớn.

Mới đây, trước thông tin một doanh nhân Việt tài trợ  khủng cho một trường đại học Anh quốc, dư luận tỏ ra thắc mắc sao vị này  không đầu tư cho giáo dục trong nước. Chia sẻ về những hạn chế trong hoạt động tài trợ cho đại học nước nhà, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia luật và chính sách công, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích:

“Kinh tế nước nhà đã có bước tiến rất lớn và hình thành những doanh nhân có dư nguồn lực để hiến tặng cho giáo dục. Nhưng giáo dục nước nhà (tập trung vào cơ chế tài chính dành cho giáo dục) lại chậm tiến và không thể tiếp nhận được nguồn lực ủng hộ đó. Các trường đại học trên thế giới luôn có “Endowment Fund” để tiếp nhận, quản lý, đầu tư, sinh lời và sử dụng các khoản tiền ủng hộ một cách hiệu quả, công khai và đáng tin cậy. Nếu các trường đại học Việt Nam và Bộ ngành liên quan không thể xây dựng một cơ chế tài chính tốt cho các khoản tiền hiến tặng cho giáo dục, sẽ không thể nhận được khoản tiền đó”.

Tự chủ đại học, bản chất là tự chủ trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, vì vậy, rất cần một hệ thống pháp luật đồng bộ. Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp để tạo động lực đẩy mạnh nguồn lực xã hội hoá, tạo động lực cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tham gia tài trợ cho  giáo dục đại học, đó là điều kiện cần thiết.

Tuy nhiên, để làm được như vậy, các trường đại học cũng phải có tầm nhìn chiến lược dài hơi, xây dựng quản trị nội bộ tốt, sử dụng ngân sách Nhà nước, đóng góp của người học và xã hội đầu tư một cách hiệu quả nhất. Công bằng, minh bạch, công khai về tài chính sẽ tạo niềm tin cho người học và xã hội đối với cơ sở đào tạo. Đó cũng đồng thời là cơ sở giúp người học và xã hội thực hiện giám sát hoạt động quản lý tài chính nhằm sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực theo đúng quy định pháp luật; giúp hệ thống giáo dục đại học Việt Nam từng bước hội nhập ngang tầm khu vực và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

GD&TĐ - Giá vàng trong nước hôm nay (27/11), tiếp tục giảm 1,4 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng nhẫn giảm; Vàng thế giới nhích nhẹ so với phiên trước.